1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Hơn 20 năm lặn lội tìm được 300 hài cốt đồng đội

(Dân trí) - Nghỉ hưu năm 1990, từ đó đến nay, hơn 20 năm ông Nguyễn Đình Tham (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - cựu chiến binh đơn vị đặc công 489 chuyên trách Hậu cứ Đà Nẵng - lặn lội đi khắp chiến trường Quảng - Đà xưa, tìm được hơn 300 hài cốt đồng đội.

Người cựu chiến binh hơn 20 năm đi tìm mộ đồng đội
CCB Nguyễn Đình Tham, Trưởng Ban liên lạc đơn vị đặc công 489 chuyên trách Hậu cứ Đà Nẵng, người tìm được hơn 300 hài cốt liệt sĩ trong hơn 20 năm.

Trăn trở lời thề “sống chết có nhau”

Tham gia chiến đấu trong đơn vị đặc công 489 Hậu cứ Đà Nẵng, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cựu chiến binh Nguyễn Đình Tham tiếp tục công tác trong Quân đội. Đến năm 1990, do những vết thương chiến tranh, với thương tật hơn 40% hành hạ khắp cơ thể, mất sức, ông về hưu sớm. Hưu rồi, nhưng trong tâm trí ông vẫn đau đáu nỗi niềm khi nghĩ về những người đồng đội năm xưa đã ngã xuống trên khắp chiến trường Quảng - Đà.

Người cựu chiến binh hơn 20 năm đi tìm mộ đồng đội
Ánh mắt người cựu chiến binh rưng rưng nỗi niềm khi nhớ về những đồng đội năm xưa ngã xuống trên chiến trường Quảng - Đà

Nhìn lại từng di ảnh của đồng đội, ông nói: “Ngày cùng nhau chiến đấu, điếu thuốc hút chung năm bảy tỉnh, chúng tôi đã thề sống chết có nhau. Vậy mà, ngày hòa bình, những người may mắn sống sót như tôi được trở về quê hương, nhìn thấy quê hương đổi thay, phát triển từng ngày, còn xây được tổ ấm hạnh phúc cho riêng mình…; còn những đồng đội đã anh dũng hy sinh, họ vẫn còn nằm vùi đâu đó ở khắp chiến trường xưa, vẫn chưa được về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Tôi lặng lẽ lên đường tìm hài cốt đồng đội để thực hiện tâm nguyện của chính mình. Người may mắn sống sót, được vui hưởng cảnh thái bình như tôi phải dốc sức bù lại sự hy sinh của đồng đội đã anh dũng đến hơi thở cuối cùng vì độc lập nước nhà. “Uống nước nhớ nguồn”, đó là đạo lý”.

Người cựu chiến binh hơn 20 năm đi tìm mộ đồng đội
May mắn sống còn sau chiến tranh, CCB Nguyễn Đình Tham vẫn trăn trở lời thề "sống chết có nhau", quyết lên đường tìm hài cốt đồng đội

Vậy là suốt hơn 20 năm ròng rã, tự túc kinh phí từ tiền hưu, tiền trợ cấp thương binh…, khi một mình, khi cùng những người bạn chiến đấu cũ, ông lặn lội khắp các đồng bằng, rừng sâu, núi cao, lần theo những dòng nhật ký của mình, của đồng đội trong những năm tháng chiến tranh, tìm trong ký ức, ông đã tìm được hơn 300 hài cốt đồng đội. Những hài cốt có đủ chứng lý (rõ họ tên, quê quán), ông báo với thân nhân và chính quyền địa phương để đưa về an táng ở quê hương các liệt sĩ. Những hài cốt liệt sĩ chưa có tên, ông báo chính quyền địa phương ở nơi tìm thấy để đưa về án táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi đó.

“Con hứa mang anh về bên mẹ”

Trên những nẻo đường thiên lý ấy, ông nhớ nhất lần tìm được hài cốt liệt sĩ Võ Như Hưng. Ông kể: “Tôi về quê hương của anh Hưng ở Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam, gặp mẹ anh khi ấy cũng gần 90 tuổi rồi. Mẹ nói, mẹ có mấy người con là liệt sĩ, đều đã tìm thấy được hài cốt đưa về an táng, riêng có thằng Hưng là không biết chừ đang còn nằm ở mô. Cuối đời, mẹ chỉ mong tìm được hài cốt của nó để chính tay mẹ an táng con mình trên đất quê như ngày nào chính tay mẹ ẵm con vào lòng cho con bú. Tôi nói: “Con hứa mang anh anh về bên mẹ”...”.

Câu chuyện ngắt quãng bởi những dòng hồi ức xúc động, ông Tham nghẹn ngào nhớ người anh đồng đội: “Anh bị thương đứt ruột lúc đang chiến đấu ở đồng bằng. Đưa anh về đến hậu cứ để cấp cứu thì không kịp nữa. Trước khi mất, anh tự cắt ngón tay lấy máu viết di ngôn “Tôi là Võ Như Hưng, Đảng viên dự bị đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúc các đồng chí ở lại học tập tốt, chiến đấu giỏi”.

CCB Nguyễn Đình Tham (bìa trái) trong chuyến tìm hài cốt liệt sĩ Võ Như Hưng năm 1994
CCB Nguyễn Đình Tham (bìa trái) trong chuyến tìm hài cốt liệt sĩ Võ Như Hưng năm 1994

Tôi quyết thực hiện lời hứa tìm bằng được hài cốt của anh, hoàn thành tâm nguyện cuối đời của mẹ. Tôi nhớ rõ anh được chôn trên đỉnh Ô Rây (huyện Hiên cũ, nay đã tách thành 2 huyện Đông Giang - Tây Giang, Quảng Nam), nhưng dấu tích chiến trường xưa mất rồi, chẳng dễ tìm được. Ba lần, mỗi lần cách nhau gần một năm để thu thập thêm chứng cứ, tư liệu và hồi sức sau những chuyến trèo đèo, vượt suối, mấy phen lạc giữa rừng, đến ngày 22/12/1994, sau 30 năm ngày anh hy sinh, chúng tôi mới tìm được hài cốt của anh Hưng. 13h chiều tìm thấy hài cốt của anh, chúng tôi đi bộ một hơi đến 19h từ rừng về đến làng đồng bào rồi trong đêm chạy xe đưa anh về Điện Nam quê anh… Phải thấy dòng nước mắt của mẹ anh, phải thấy niềm vui tìm thấy người thân, dù chỉ là hài cốt, mới thấy được cái việc mình làm có ý nghĩa biết bao.

CCB Nguyễn Đình Tham (bìa trái) trong chuyến tìm hài cốt liệt sĩ Võ Như Hưng năm 1994
Hơn 20 năm, không biết bao lần trèo đèo, vượt suối, lắm phen thất lạc giữa rừng, ông Tham (thứ 2, từ trái sang) đã tìm được hơn 300 hài cốt liệt sĩ

Có nhiều hài cốt liệt sĩ phải 5 năm trời mới tìm được thân nhân để đưa về quê an táng. Như trường hợp của liệt sĩ Trần Thanh Hòa, ông Tham chỉ nhớ vỏn vẹn một dòng nhật ký của đồng đội lúc sinh thời mà ông đọc được, nguyên văn “Anh chia tay em và con 6 tháng tuổi bên dòng sông Châu Giang một buổi chiều anh vào Nam chiến đấu”. Ông kể: “Tôi đâu có biết con sông Châu Giang là con sông nào, con sông đó ở đâu. Tra cứu, hỏi khắp cùng mới ra ở Ngọc Lũ, Bình lục (tỉnh Hà Nam) có con sông Châu Giang. Trời ơi, tôi mừng. Rồi tôi hỏi tìm được vợ con anh Hòa. Năm 2009, sau khi hoàn tất hồ sơ chứng lý, tôi đưa hài cốt anh về tận quê hương anh ở Hà Nam”…

Hơn 20 năm, tìm được hơn 300 hài cốt liệt sĩ, mỗi chuyến đi mỗi kỷ niệm, mỗi lần vất vả gian nan. Năm nay, gần 70 tuổi rồi, thương tích chiến tranh vẫn "cựa quậy" trong cơ thể người già, nhưng người cựu chiến binh vẫn trăn trở lời thề “sống chết có nhau” với đồng đội ấy, vẫn chỉ mong mỏi một điều: “Cầu trời cho tôi có đủ sức khỏe. Còn hơi thở tôi còn lên đường đi tìm hài cốt đồng đội tôi, để anh em có mộ phần đàng hoàng, được yên nghỉ trong lòng đất mẹ”.