1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Hơn 18.000 hộ dân héo mòn vì thiếu nước giữa mùa nắng hạn

(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài khiến ruộng đồng nứt nẻ, hàng ngàn ha lúa, hoa màu có nguy cơ chết cháy có nguy cơ mất trắng, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đó là thực trạng chung đang diễn ra khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nắng nóng, khô hạn kéo dài từ đầu năm đến nay khiến hàng ngàn ha lúa hè thu, hoa màu khắp các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Bình Định bị khô hạn, có nguy cơ mất trắng. Hàng ngàn hộ dân bị thiếu nước nghiêm trọng làm đời sống người dân ngày càng trở nên khốn đốn.

Nhiều diện tích lúa của nông dân huyện Phù Mỹ có nguy cơ mất trắng
Nhiều diện tích lúa của nông dân huyện Phù Mỹ có nguy cơ mất trắng
Nhiều diện tích lúa ở huyện miền núi An Lão đất nứt nẻ
Nhiều diện tích lúa ở huyện miền núi An Lão đất nứt nẻ
Trong khi đó nhiều hồ chứa cạn kiệt không còn khả năng cấp nước
Trong khi đó nhiều hồ chứa cạn kiệt không còn khả năng cấp nước

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn Bình Định chỉ đạt khoảng 129 mm, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước (chỉ bằng 41%). Do lượng mưa ít, thêm vào đó là nắng nóng kéo dài khiến nhiều ao, hồ, sông suốt bị khô kiệt. Toàn tỉnh có 161 hồ chứa lớn nhỏ nhưng lượng nước trong hồ chỉ còn khoảng hơn 266 triệu m3 bằng 46% dung tích thiết kế.

Khô hạn kéo dài làm 12.000 ha cây trồng bị hạn hán, trong đó có 7.616 ha lúa và 3.664 ha cây màu. Đến nay, diện tích hoa mày bị mất trắng do khô hạn và xâm nhập mặn đã tới 787 ha. Điều đáng lo ngại là tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang ngày càng nghiêm trọng. Hiện có hơn 18.000 hộ dân dân bị thiếu nước sinh hoạt do các giếng bị khô cạn. Trước nguy cơ hạn hán kéo dài, số hộ dân bị thiếu nước trên địa bàn tỉnh có thể lên đến 28.000 hộ.

Hơn 18.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Định bị thiếu nước
Hơn 18.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Định bị thiếu nước

Các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước là những địa phương đang chịu hạn hán nghiêm trọng. Nhiều diện tích lúa hè thu và rau màu bị thiếu nước nghiêm trọng có nguy cơ mắt trắng. Nắng nóng gay gắt liên tục làm mực nước ngầm suy giảm, nhiều giếng nước sinh hoạt của người dân cạn kiệt. Để có nước sinh hoạt, ăn uống, người dân phải đi mua hoặc xin.

Tại huyện Phù Mỹ, đã có gần 2.800 ha lúa bị hạn, trong đó có gần 400 ha bị chết cháy; hơn 1.500 ha màu bị hạn, trong đó có 300 ha bị mất trắng.

Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Phù Mỹ cho biết, khô hạn không chỉ làm cây trồng thiếu nước nghiêm trọng mà gần 7.000 hộ dân đang bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, riêng 2 thôn Trung Thứ và Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây, hơn 1 tháng nay người dân phải đi nơi khác xin nước về dùng vì 100% số giếng đào đã bị cạn kiệt nước.

Còn tại huyện Phù Cát có khoảng 1.000 ha lúa và trên 900 ha rau màu đang bị thiếu nước. Điều đáng lo ngại là khoảng hơn 1 tháng nay, các hộ dân ở trên địa bàn huyện này đang bị thiếu nước sinh hoạt, phải đi mua nước với giá cao để sử dụng.

Riêng tại huyện miền núi An Lão thì vài năm trở lại đây người dân đồng bào lại mới phải gánh chịu tình trạng hạn hán kéo dài như năm nay. Nhiều diện tích lúa hè thu đang thời kỳ đẻ nhánh mà mặt ruộng nứt nẻ, trong khi nước trong hồ cạn kiệt. “Nếu khoảng 10 ngày tới mà không có mưa xuống thì lúa, hoa màu của bà con chết chắc, có sống thì năng suất cũng không đủ bù lỗ chi phí phân bón, giống, công thuê cày bừa. Ở miền núi, có khi sáng nắng chiều mưa nhưng từ đầu năm đến nay lượng mưa chưa đủ”, nông dân Nguyễn Văn Nhơn xã An Tân, huyện An Lão nói.

Trong khi đó, tại TP Quy Nhơn, nắng nóng gay gắt cũng khiến nhịp sống của người dân thành phố cũng trở nên khốn đốn. Khô hạn kéo dài đã đẩy 1.000 hộ dân ở xã Nhơn Hải và hơn 200 hộ dân ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) phải thức đêm canh để lấy từng giọt nước tại các giếng công cộng về dùng. “Thiếu nước nên cả nhà 6 người mà cả tắm giặt, sinh hoạt khác mà chỉ vài đôi thùng nước. Nước không đủ dùng thì phải tiết kiệm chứ biết sao. Túc trực từ sáng tới giờ mà chưa đến lượt mình bơm đây. Thiếu nước là khổ thế đây”, ông Phạm Oanh (ở tổ 2 KV 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) tâm sự.

Nắng hạn khiến nguy cơ cháy rừng cao
Nắng hạn khiến nguy cơ cháy rừng cao

Về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chống hạn cứu cây trồng, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân và gia súc đồng thời chỉ đạo các địa phương phải tận dụng các nguồn nước tưới còn lại ở các sông suối, ao, hồ để cung cấp cho sản xuất vụ hè thu. Ông Lộc cũng đồng ý phương án hỗ trợ các địa phương chi phí xăng dầu, tăng cường khoan thêm một số giếng nước chống hạn.

Doãn Công