1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Hơn 1.100 người có nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng

(Dân trí) - Lũ ống, lũ quét cuối tháng 9 vừa qua đã cuốn phăng cây cầu treo duy nhất dẫn vào xã A Rooi, huyện Đông Giang (Quảng Nam), vùi lấp nhiều nhà cửa, ruộng vườn. Bị cô lập gần một tháng nay, hơn 1.100 người dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng.

Sáng 22/10, từ TP Đà Nẵng vượt hơn 100km đường đèo dốc của miền núi Quảng Nam, chúng tôi đến xã Zà Hung (huyện Đông Giang), nơi có cây cầu treo dẫn vào xã A Rooi bị lũ cuốn trôi hồi cuối tháng 9 vừa qua. Đây là chiếc cầu treo duy nhất nối đường Hồ Chí Minh từ xã Zà Hung vào xã A Rooi.
 
Hơn 1.100 người có nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng - 1

Cầu treo A Rooi bị lũ đánh tơi tả. Nhanh nhất 1 tuần nữa chiếc cầu này mới được sửa chữa xong. (Ảnh: Công Bính)

 

Tại đường Hồ Chí Minh thuộc trung tâm xã Zà Hung chúng tôi gặp ông Hốid Đức, Phó Chủ tịch xã A Rooi đang dẫn bà con trong xã băng rừng ra nhận hàng cứu trợ.

 

Ông Đức cho biết: “Đêm 29/9, mưa lớn đã làm cho dòng sông A Vương nước cuồn cuộn dâng lên rất nhanh và cuốn trôi cây cầu này”. Không những thế, theo Phó Chủ tịch xã A Rooi, mưa to đã làm cho lũ ống, lũ quét xuất hiện và vùi lấp nhà của 15 hộ dân thôn A Điêu. Rất may, do có người trong thôn phát hiện kịp hô hoán, người dân “bỏ của chạy lấy người” nên không thiệt hại về tính mạng.

 

Sau khi lũ cuốn cây cầu trôi, một số người dân đã chặt tre, nứa làm bè để bơi qua sông A Vương ra ngoài nhận hàng cứu trợ đồng thời thông tin liên lạc với huyện nhưng dòng thác hung dữ đã cản trở, gây khó khăn cho việc di chuyển trên sông.

 

Thôn A Điêu vẫn chưa có điện thắp sáng, điện thoại thì chập chờn, nhiều nơi vẫn chưa có. Từ khi cầu sập, gần 100 học sinh THCS và THPT trong thôn vẫn chưa thể đến trường vì các em học ngoài xã Zà Hung. Hai trường mẫu giáo của xã cũng chưa mở cửa lại vì cô giáo không vào dạy học được.

 

Cũng theo ông Hốid Đức, 15 hộ dân thôn A Điêu bị lũ cuốn trôi nhà cửa đã được lãnh đạo xã cùng xóm giềng giúp che tạm nhà để ở, chờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền. “Trong lịch sử mấy chục năm nay ở xã, lần đầu tiên tôi mới thấy lũ ống cuốn trôi 15 căn nhà của dân”, ông Hốid Đức nói.

 

Toàn xã A Rooi có 5 thôn với 272 hộ dân và hơn 1.100 nhân khẩu. Rất nhiều thôn có hàng chục hộ dân sống dưới chân núi, mùa mưa bão, núi sạt lở có thể đe dọa đến cuộc sống của người dân.

 

Sau khi cầu sập, người dân đã cùng nhau làm “cầu khỉ” bắc qua con thác hung dữ trên dòng A Vương để ra ngoài nhận hàng cứu trợ, nhưng trời mưa lớn liên tục nên cũng đã vài lần “cầu khỉ” này bị cuốn trôi.

 

Theo Chủ tịch xã A Rooi, sau lũ người dân trong xã đã được cứu trợ kịp thời nên không lo đói trước mắt mà lo mưa lũ cuốn trôi nhiều ruộng lúa, hoa màu và gia súc gia cầm của người dân, nên sắp tới có thể dẫn đến thiếu đói nghiêm trọng.
 
Hơn 1.100 người có nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng - 2

Chiếc “cầu khỉ” do người dân tự dựng trên con suối chảy xiết để ra ngoài nhận hàng cứu trợ. Nhưng cây “cầu khỉ” này đã bị nước cuốn trôi đêm qua, xã tiếp tục bị cô lập. (Ảnh: Công Bính)

 

Chiều ngày 22/10, trao đổi với PV Dân trí tại phòng làm việc của mình, ông Đinh Thái Long, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Sau khi bão lũ đi qua, chúng tôi đã kịp thời tổ chức cứu trợ cho người dân ở các vùng bị cô lập nặng, nhất là người dân ở thôn A Điêu (xã A Rooi)”.

 

Theo ông Long, trong số 15 hộ dân thôn A Điêu bị lũ ống gây sạt lở đất vùi lấp nhà cửa, có 8 hộ nhà bị vùi sâu từ 2-3m, đến nay không thể đào bới lên tìm lại vật dụng, tài sản. Tỉnh đã hỗ trợ huyện 110 tấn gạo và 2 tỉ đồng để cứu trợ. Tất cả số gạo và tiền này đã được đưa đến tận tay những gia đình bị thiệt hại. Riêng các hộ dân bị vùi nhà ở thôn A Điêu (xã A Rooi), huyện đã cấp gạo cho các hộ này ăn trong 3 tháng và 5 triệu đồng tiền xây dựng lại nhà cửa.

 

Huyện đã chỉ đạo ứng tiền mua lúa giống và các loại giống khác để người dân tiến hành sản xuất, nếu không vài tháng tới người dân sẽ bị đói.

 

Về việc cầu treo A Rooi bị sập, ông Long cho biết, huyện đã xuất ngân sách 490 triệu đồng để sửa chữa gấp, dự kiến khoảng 1 tuần nữa có thể làm xong để bà con đi.

 

Mấy ngày nay, nhiều thanh niên xã A Rooi đã ra tận đường Hồ Chí Minh (đoạn trung tâm xã Zà Hung) để gùi gạo, mắm, muối… vào cứu trợ cho những người bị cô lập. Một người dân tên Hốid Mliếu (thôn A Điêu) cho biết, đến nay họ đã gùi gần 10 chuyến hàng của các đơn vị cứu trợ cho dân.

 

Để vào được trung tâm xã A Rooi (khoảng 5km) hiện giờ bắt buộc phải qua 2 cây “cầu khỉ” bắc qua con suối chảy siết của dòng A Vương, rồi cắt rừng đi bộ. Tuy nhiên, trong cuộc điện thoại sáng nay, 23/10, ông Hốid Gróy, Chủ tịch xã A Rooi, cho biết, xã đã bị cô lập lại từ tối qua do mưa lớn cuốn trôi 2 chiếc “cầu khỉ”.

 

Theo ông Gróy, nếu vào xã bây giờ chỉ có cách vòng qua xã A Dinh rồi băng rừng, “không biết bao nhiêu cây số và tốn bao nhiêu thời gian nhưng rất xa”, giọng ông Gróy khẩn thiết qua điện thoại.
 
Tuyến  đường từ Đà Nẵng lên  Đông Giang bị sạt lở  nặng
 
Hơn 1.100 người có nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng - 3

 

Sáng ngày 22/10, tuyến tỉnh lộ ĐT 604 – tuyến đường huyết mạch nối từ xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lên huyện Đông Giang (Quảng Nam) đoạn qua dốc Kiền bị sạt lở trở lại nghiêm trọng sau những cơn mưa lớn, gây ách tắc giao thông trên toàn tuyến.

 

Được biết, đây là đoạn đường thường xảy ra sạt lở vào mùa mưa gây ách tắc giao thông nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

 

Điều đáng nói, do tình trạng sạt lở thường xuyên tái diễn khu vực này nên ở đây hình thành một đội ngũ đẩy xe thuê qua dốc. Ai không có khả năng tự đi xe qua dốc đứng và trơn trượt thì đã có đội đẩy xe này giúp đỡ, cứ một lần đẩy tiền công là 20 ngàn đồng. Tuy nhiên có nhiều xe máy chở hàng hóa nặng nên tiền công có thể lên đến 50 ngàn/lượt.

 

Công Bính