Hơn 100 đoàn thanh tra, kiểm tra các dự án BOT giao thông
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, 107 đoàn thanh tra từ trung ương tới địa phương tham gia rà soát, làm rõ các dự án BOT để đảm bảo không có tham nhũng, tư túi, lợi ích nhóm. Các cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều 18/1, liên quan đến các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, vấn đề minh bạch các dự án BOT đã và sẽ tiếp tục được Bộ GTVT làm mạnh mẽ, quyết liệt. Hiện nay, Bộ GTVT đã cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến từng dự án BOT về quy mô, tổng mức đầu tư, nhà đầu tư…
Việc công khai đầu vào nhằm làm rõ giá trị đầu tư thực tế của công trình là bao nhiêu tiền và công khai đầu tư của dự án, tức là nhà đầu tư của dự án thu phí đã đủ chưa là những vấn đề được dư luận quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Hiện nay Bộ GTVT đang làm. Vừa qua, đã có 107 đoàn thanh tra, kiểm toán của Chính phủ và các bộ ngành vào cuộc để giúp Bộ GTVT công khai đầu vào, kiểm tra công tác đầu tư của các dự án ra sao. Bộ GTVT hiện đang tập trung quyết toán các dự án BOT hoàn thành để xác định giá trị đầu vào của các dự án. Khi chúng tôi công bố giá trị quyết toán, các đồng chí phát hiện ra sai chỗ này, sai chỗ kia thì nhưng cơ quan, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm”.
Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, đến thời điểm này, gần như toàn bộ các dự án BOT đều đã quyết toán xong phần xây lắp, còn quyết toán giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của các địa phương.
“Chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thành quyết toán các dự án để công khai minh bạch đầu vào của các dự án BOT. Còn đầu ra của các dự án, hiện nay các trạm thu phí chủ yếu áp dụng thu phí thủ công, chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm sao để 2018 - 2019 tiến hành thu phí tự động tại toàn bộ các trạm BOT trên cả nước. Thu phí tự động, người dân sẽ nắm bắt được tình hình doanh thu của dự án từng giờ, từng ngày. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ VN cũng giám sát chặt chẽ toàn bộ tình hình thu phí của các trạm BOT, rõ ràng các dự án BOT đều được minh bạch đầu vào và đầu ra” - ông Thể nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành GTVT thừa nhận sự phản ứng của người dân là tất yếu. Lí do là áp lực phí tác động đến kinh tế của người dân, đồng loạt các dự án BOT thực hiện trong 4-5 năm và vận hành cùng lúc đã gây áp lực cho người dân. Gần đây, các trạm BOT bị phản ứng nhiều và “nóng” lên ở khu vực phía Nam, ở khu vực phía Bắc, miền Trung tình hình ổn định.
“Hiện nay 56 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý, Bộ GTVT đã rà soát và đã giảm giá 51 trạm. Hai hình thực giảm giá cho các phương tiện qua trạm và miễn giảm cho người dân sống gần trạm thu phí có hoạt động đi lại nhiều” - ông Thể cho hay.
Đề cập tới trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự của chính quyền các địa phương có dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là cộng đồng trách nhiệm giữa các bên có liên quan, Bộ GTVT làm việc của Bộ GTVT, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự.
Theo ông Thể, trong hợp đồng BOT không ghi trách nhiệm địa phương thì địa phương cũng phải làm, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các dự án Bộ GTVT đều có sự thoả thuận với địa phương bằng văn bản rồi mới triển khai, vì vậy địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí.
Về việc một số địa phương đề nghị Bộ GTVT dỡ trạm BOT “nóng”, Người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, dự án BOT là dự án mà 7 Bộ ngành phải có trách nhiệm xem xét, rà soát cùng các địa phương . Các dự án BOT “nóng” không chỉ riêng trách nhiệm của Bộ GTVT mà có trách nhiệm của các địa phương, việc dỡ trạm không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và Chính phủ cho kết luận.
Châu Như Quỳnh