1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Hơn 10 năm “liêu xiêu” qua sông

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, hàng trăm người dân thôn Phước Mỹ 3 (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) phải đi về hàng ngày trên chiếc cầu phao “liêu xiêu”. Mỗi lần qua sông là một lần bất an.

Tổ 2, thôn Phước Mỹ 3 (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) có gần 100 hộ dân với gần 300 khẩu. Khác với các tổ còn lại, người dân tổ 2 bị chia cắt bởi dòng sông Bà Rén. Người dân nơi đây thường xuyên đối mặt với nỗi bất an khi hằng ngày phải qua sông trên chiếc cầu ván được lát trên những chiếc thùng phuy cũ kỹ mà người dân ở đây thường gọi là “cầu phao”.

Cây cầu phao “dập dềnh” nối đôi vờ sông Bà Rén của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên
Cây cầu phao “dập dềnh” nối đôi vờ sông Bà Rén của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên

Dẫn chúng tôi đi trên chiếc cầu phao nối từ thị trấn Nam Phước qua tổ 2, ông Nguyễn Thinh – Trưởng thôn Phước Mỹ 3 - cho hay, từ năm 2001, vì bức xúc việc đi lại qua sông nên Nhà nước cùng nhân dân đóng góp trên 600 triệu đồng mua trên 200 thùng phuy và hàng chục khối gỗ để làm cầu này. Cầu rộng trên 2m, dài gần 150m và không có lan can.

Trước đó khi chưa có cây cầu này, hàng trăm học sinh và người dân ở tổ 2 muốn qua thị trấn học hành, làm việc đều phải đi đò qua rất nguy hiểm. Vào mùa mưa bão, người dân tổ 2 không thể đi bằng đò qua sông được thì phải đi vòng xuống QL1A, qua cầu Bà Rén rồi vòng lên mất gần 10km.

Cây cầu phao “dập dềnh” nối đôi vờ sông Bà Rén của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên

Cũng theo ông Nguyễn Thinh, hàng ngày có trên 400 học sinh THCS và THPT của xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) qua thị trấn Nam Phước học hành cũng phải đi qua cây cầu phao lỏng lẻo này. “Tính ra mỗi ngày cây cầu phao này phục vụ mỗi ngày trên 1 ngàn lượt người qua lại”, ông ông Nguyễn Thinh, tổ trưởng tổ 2 cho biết.

Hàng ngày có hàng trăm học sinh và người dân đi qua cây cầu này
Hàng ngày có hàng trăm học sinh và người dân đi qua cây cầu này

Gặp nông dân Nguyễn Văn Thăng khi ông từ nhà ở tổ 2 qua cầu sang thị trấn Nam Phước chuẩn bị đất làm vụ đông xuân. Ông Thăng cho biết gia đình có 8 sào gồm 4 sào ruộng và 4 sào màu. Vì nhà và đất ruộng cách con sông Bà Rén nên mỗi mùa thu hoạch không còn cách nào khác là phải chở lúa về buộc đi qua cây cầu này.

Ông Thăng nói: “Dân tổ 2 chúng tôi đều làm nông nghiệp với hơn 30ha, trong khi đất sản xuất nằm hết ở bên kia sông nên phải phụ thuộc vào cây cầu này. Nếu không có cầu, muốn đi làm đồng chỉ còn cách chạy xe máy xuống QL1A rồi quay ngược trở ra rồi rẻ lên thị trấn Nam Phước mất khoảng gần 10 cây số”.

Những người dân ở đây cho biết, nếu không qua cầu phao này thì không có đường nào khác thuận tiện bằng. Trưởng thôn Phước Mỹ 3 cho biết mỗi năm có hàng chục người té xuống sông nhưng may mắn được người dân vớt lên, còn những người chở hàng hóa, thóc lúa mỗi khi thu hoạch về nhà qua cây cầu này rớt xuống sông thì không nhớ hết.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (50 tuổi, ở tổ 2) nhà có 2 sào ruộng nên hàng ngày cũng phải qua cầu đi làm. Bà nói: “Dân khổ vì cây cầu lắm, vụ lúa vừa qua con tôi chở lúa qua cầy này rớt mấy lần phải thuê người lặn xuống sông vớt lên. Tội nhất là các cháu học sinh trời mưa không dám qua cầu vì không an toàn, còn đi vòng thì xa quá.”

Qua hơn 10 năm sử dụng, đến nay câu cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, gỗ lát mặt cầu mục nát và được dặm vá liên tục khiến mặt cầu không được bằng phẳng, cộng với các thùng phuy bị hỏng, nước cuốn trôi nên mỗi khi đi qua cây cầu rung lắc và dập dềnh trên sông rất nguy hiểm. Nếu không cẩn thận, người đi có thể té ngã xuống sông bất cứ lúc nào.

Người dân địa phương còn cho biết, trước đây đã có 2 trường hợp té xuống sông chết đuối và rất nhiều người bị trượt té xuống sông khi qua cầu. Cuối năm 2014 vừa qua có nhóm du khách Tây đi du lịch về đây khi dắt xe máy qua cầu thì 2 người bị ngã xuống sông, cũng may có người dân phát hiện và cứu vớt kịp thời.

Trên mặt cầu nhiều tấm ván gỗ bị rớt, bên dưới nhiều thùng phuy cũng bị mất
Trên mặt cầu nhiều tấm ván gỗ bị rớt, bên dưới nhiều thùng phuy cũng bị mất

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch thị trấn Nam Phước – cho biết, lãnh đạo địa phương cũng bức xúc với việc đi lại của người dân nhưng vì không có kinh phí xây cầu nên cũng đành chịu. Để duy trì cây cầu “lỏng lẻo” này, mỗi năm địa phương phải bỏ hàng chục triệu đồng mua thùng phuy, gỗ về tu bổ. Tuy nhiên, hiện cây cầu này cũng như chiếc răng sắp rụng. “Để y rồi tu bổ cho bà con đi tạm chứ tháo ra là nát hết, không có kinh phí để làm lại. Còn duy trì cây cầu thì quá mất an toàn cho người dân”, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, cách đây 5 năm đã có nghị quyết của Đảng bộ thị trấn quyết tâm xây dựng cây cầu cho người dân đi nhưng vì kinh phí quá lớn, địa phương lại không có nguồn thu nào đáng kể nên đến nay vẫn chưa xây dựng được cây cầu cho bà con.

Còn ông Nguyễn Thế Đức – Phó Bí thư thị trấn Nam Phước - thì cho biết, vì bức xúc với việc đi lại của người dân nên lãnh đạo địa phương nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp về khảo sát xây cầu treo nhưng không khả thi.

Ông Nguyễn Thế Đức cho biết, vì quá bức xúc, Đảng ủy thị trấn Nam Phước đã tìm đơn vị tư vấn thiết kế tính toán chi phí xây dựng cầu. Theo thiết kế, sẽ xây dựng cầu chìm (mùa lũ sẽ chìm dưới nước) dài 150m, rộng 2,7m với tổng kinh phí 6,7 tỉ đồng. Dự án cũng đã trình lên Chủ tịch huyện Duy Xuyên và tháng 12 vừa qua dự án cũng đã được phê duyệt, giờ gởi hồ sơ lên tỉnh để xin kinh phí.

“Mong muốn có cây cầu cho người dân đi vì họ đã trông chờ đã mấy chục năm nay rồi, chúng tôi sẽ quyết tâm xây dựng cây cầu này trong năm 2015 để người dân đi”, ông Nguyễn Thế Đức quyết tâm.

Công Bính