Quảng Bình:

Hồi ức kinh hoàng về những trận bom 50 năm trước

(Dân trí) - Đã 50 năm trôi qua, nhưng cái ngày 4/4/1965, dường như vẫn còn là một nỗi khiếp sợ với những người dân TP Đồng Hới hôm nay. Với ý đồ “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, những trận bom liên tiếp của Mỹ đã dội xuống liên tiếp khiến người chết la liệt…

Cứ mỗi độ tháng tư về, người dân TP Đồng Hới lại nhớ về ký ức đau thương của 50 năm trước. Lúc đó, với ý đồ “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, với tên gọi là chiến dịch “Sấm Rền 3P”, Mỹ đã huy động 46 lượt máy bay A4, F8U, AD6 thay nhau đánh phá dữ dội thị xã Đồng Hới, tập trung một số lượng bom đạn khủng khiếp để triệt phá Cầu Dài trong suốt 4 giờ liền không ngớt (từ 12 giờ trưa đến 16 giờ chiều), nhằm cắt đường vận chuyển đạn dược, lương thực của quân và dân ta để vào chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Và ngày 4/4/1965, những đợt bom của giặc Mỹ dội xuống bắt đầu oanh tạc, quần nát bầu trời Đồng Hới, cướp đi sinh mạng của 50 người dân vô tội, hàng chục người khác bị thương. Trường học, cầu cống, cơ quan và hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, thành phố thơ mộng ngày nào bỗng chốc trở thành một đống đổ nát, hoang tàn.

Mỗi khi nghĩ về ngày tháng đó, bà Ngô Tú Khánh (SN 1948, phường Phú Hải, TP Đồng Hới) lại trào lên nỗi khiếp sợ.

Bà Ngô Tú Khánh cùng chồng đang ôn lại chuyện xưa
Bà Ngô Tú Khánh cùng chồng đang ôn lại chuyện xưa

Lúc đó bà Khánh vẫn còn là một cô gái ở tuổi mười bảy, đôi mươi đang tham gia xây kho lương thực tại Khương Hà (huyện Bố Trạch). Khi nghe tin máy bay Mỹ chuẩn bị ném bom xuống thị xã Đồng Hới, với tâm trạng bồn chồn, lo lắng, bà lo ở nhà cha mẹ và mấy đứa em nhỏ dại không biết có kịp sơ tán lên chỗ an toàn hay không; vì vậy bà xin đơn vị về giúp gia đình sơ tán, rồi bà tức tốc chạy về trong đêm.

Nhớ lại ngày chủ nhật đẫm máu năm ấy, bà Khánh bồi hồi: “Hôm đó về tới Đồng Hới trời cũng đã quá trưa, cùng lúc đó là những tiếng nổ chấn động cả đất trời, từng loạt bom đạn của Mỹ bắt đầu rơi, người dân chỉ biết chạy tán loạn trong làn mưa bom bão đạn, xác người nằm la liệt bên cạnh những hố bom sâu hoắm, tiếng trẻ con gào khóc, tiếng rên la của người bị thương da diết như cứa vào da vào thịt tôi”. Và trong loạt bom đạn ấy, bà trốn dưới hầm cũng bị bom nổ trúng, dội lên cao cả chục mét rồi rơi xuống và bị vùi dập bên hố bom. Rất may lúc đó có người phát hiện đưa bà đi cấp cứu.

Bên dòng sông
Nhật Lệ hôm nay có tấm bia tưởng niệm những nạn nhân trong trận ném
bom lịch sử.

Bên dòng sông Nhật Lệ hôm nay có tấm bia tưởng niệm những nạn nhân trong trận ném bom lịch sử.

Và đó cũng là chuyến trở về cuối cùng của không ít người, những người mẹ mất con, người vợ mất chồng… thành phố bị san bằng vì bom đạn kẻ thù. “Xác chết của trẻ em, người già, phụ nữ mang thai nằm la liệt... những ngôi mộ tập thể mọc lên như núi. Nó cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ”, bà Khánh rơi nước mắt nhớ lại.

Sau khi được chữa trị lành vết thương ở đầu, bà đã tham gia vào dân quân tự vệ, làm nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội. Họ đã kìm nén nỗi đau để tiếp tục lên đường chiến đấu.

Tượng đài Mẹ Suốt, nơi hứng chịu từng trận mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ

Tượng đài Mẹ Suốt, nơi hứng chịu từng trận "mưa bom, bão đạn" của giặc Mỹ

Nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà Khánh kể: “Lúc đó, bất kể già trẻ, gái trai trước sau như một vẫn tin về ngày mai hòa bình, tất cả cùng xung trận với những khẩu hiệu: “Xe chưa qua là nhà không tiếc”, “Tiếng hát át tiếng bom”,… sẵn sàng hi sinh vì độc lập của Tổ quốc”.

Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng nỗi đau vẫn còn hằn trên đôi mắt của những người ở lại. Hàng năm cứ đến ngày mồng 4 tháng 4, rất nhiều người dân lại về đây thắp những nén nhang tưởng nhớ những tháng ngày quá khứ đầy nỗi đau và nước mắt.

Văn Lịnh