“Hối lộ tình dục” - Đau đầu vì “bằng chứng đâu”?
Tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an ví von về đề xuất đưa "hối lộ tình dục" vào luật: "Giữa một cánh đồng lúa xanh mơn mởn, có chục con trâu và vài con chuột đang cùng lộng hành, phá cánh đồng. Vậy chúng ta đánh trâu hay bắt chuột?”
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đưa ra đề xuất về việc đưa "Hối lộ tình dục" vào Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, trên quốc tế, quy định này đã có trong luật của họ từ lâu, còn ở Việt Nam thì chưa từng có quy định, cũng chưa từng có ai đưa ra đề xuất về việc này. Ý kiến trên ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia. Bởi lẽ làm sao để chứng minh hành vi phạm tội khi không bắt được quả tang và làm sao để phân biệt giữa hối lộ tình dục với chuyện tình cảm nam nữ?
Có tình trạng hối lộ bằng tình dục cho một số quan chức?
Nạn hối lộ bằng tình dục không phải là hiện tượng mới mẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng vẫn đang là một vấn đề pháp lý gây đau đầu.
Tại Trung Quốc, từ năm 2000, các học giả Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ cải cách pháp luật để truy tố các quan chức nhận hối lộ bằng tình dục. Cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân bị sa thải năm 2011 và bị truy tố vì tội nhận hối lộ hơn 10 triệu USD để hỗ trợ 11 người thăng tiến và kiếm chác. Khi đó cơ quan điều tra cho biết Lưu Chí Quân đã nhiều lần nhận hối lộ bằng tình dục.
Hàng loạt quan chức Trung Quốc phải hầu tòa vì tội tham nhũng cũng từng nhận hối lộ bằng tình dục. Hồi tháng 6/2014, báo Tin tức Bắc Kinh công bố tên tuổi 12 quan chức nữ bị điều tra tội tham nhũng và sai phạm trong nửa đầu năm 2014. Báo này khẳng định một số nữ quan chức này đã chấp nhận quan hệ tình dục với cấp trên để được thăng tiến.
Ngoài ra, tháng 1/2014, ông Ng Boon Gay, cựu lãnh đạo Cục Chống ma túy trung ương Singapore, bị sa thải vì quan hệ tình dục với một nữ doanh nhân để tạo điều kiện cho công ty của cô ta kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên ông Ng Boon Gay không bị truy tố trước tòa.
Tại Nga, đầu tháng 9 nghị sĩ Oleg Mikheyev thuộc Đảng Nước Nga công bằng đã kêu gọi cải tổ bộ luật hình sự để truy tố hành vi nhận hối lộ bằng tình dục. Còn ở Mỹ, năm 2011 Bộ An ninh nội địa mở cuộc điều tra và phát hiện các băng nhóm buôn ma túy tại Mexico thường dùng tiền mặt và tình dục để mua chuộc các sĩ quan biên phòng và hải quan. Sau đó, hàng trăm sĩ quan biên phòng và hải quan Mỹ bị bắt kể từ năm 2004 vì tội tham nhũng.
Ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương.
Còn tại Việt Nam, “tham nhũng tình dục” không phải không có nhưng không dễ phanh phui, trừ khi vị quan chức đó bị điều tra bởi một hành vi khác. Chính vì vậy, sau phát biểu của ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, về việc hiện nay ở Việt Nam chắc chắn có tình trạng hối lộ bằng tình dục cho các quan chức.
Không chỉ các ĐBQH nêu ý kiến làm nóng nghị trường mà giới chuyên gia cũng bàn luận sôi nổi về việc này.
Trước đề xuất trên của ông Nguyễn Doãn Khánh, trao đổi với PetroTimes, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương đánh giá rằng: Đây là một vấn đề thực tế có tồn tại trong xã hội nên cần thiết phải đưa vào luật.
“Đưa hối lộ tình dục vào Bộ luật Hình sự bổ sung chắc chắn sẽ khó và có nhiều vấn đề cần cân nhắc, tuy nhiên, có khó cũng vẫn nên làm, bởi trên thực tế đã tồn tại việc hối lộ tình dục, mà nếu không đưa vào luật thi sẽ rất khó xử lý”, ông Hương khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hương thì vấn đề hối lộ trong xã hội hiện nay đã không còn là cá biệt mà nó có tồn tại rất nhiều. Việc xử lý bất cứ vấn đề gì cũng khó, xử lý hối lộ cũng như vậy. Và xử lý hối lộ bằng vật chất đã khó rồi, xử lý hối lộ bằng tình dục chắc chắn còn khó hơn rất nhiều lần. Nhưng vì đó là thực trạng xã hội, nên dù có khó cũng vẫn phải làm.
Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nói thêm rằng: Khi ông còn ở trên cương vị công tác, mọi quy định đều rất nghiêm ngặt, nhất là trong vấn đề “quan hệ nam nữ”.
“Đối với chúng tôi, có 3 tội khó phát hiện và xử lý, đó là phản bội tổ quốc, tội hối lộ và tội quan hệ nam nữ bất chính. Những tội đó, nếu không bắt được quả tang và có chứng cứ rõ ràng, thì chẳng có ai tự nhận tội cả. Tôi đưa ra so sánh như vậy để thấy rằng, việc đưa hối lộ tình dục vào luật chắc chắn sẽ rất khó, nhưng chúng ta vẫn nên cân nhắc để thực hiện. Đề xuất của ông Nguyễn Doãn Khánh chính là muốn nhắc đến hiện tượng báo động trong vấn đề suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ” – ông Hương cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đồng tình rằng nên đưa hành vi hối lộ bằng tình dục vào Bộ luật hình sự vì điều này đã diễn ra trong thực tế đời sống.
Trước những băn khoăn về vấn đề khó nắm bắt được chứng cứ của việc cho và nhận hối lộ bằng tình dục, luật sư Nguyễn Văn Hậu bày tỏ quan điểm: Tại sao những hành vi vi phạm đó đang xảy ra mà chúng ta không quy định? Theo tôi là cần nghiên cứu và qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, chúng ta sẽ sửa đổi và hoàn thiện dần về luật.
Khó định tội… vì bằng chứng đâu!
Cũng cho rằng hành vi này có thể có trong thực tế, song Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) e ngại: "Về mặt xã hội cũng khó mà xác định đây là việc đưa hối lộ. Trên thực tế cũng có thể có câu chuyện này nhưng cũng rất ít và núp dưới hình thức tinh vi đến mức khó mà định lượng được đó là tội phạm”.
Theo ông Nam, nếu việc quan hệ tình dục với một người có chức có quyền để đổi lấy một cơ hội nào đó cũng không rõ phải quy định trong luật như thế nào. Nếu định vào tội hối lộ tức là người ta đưa cho người có chức quyền một lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào đó để được người kia cho lại họ một quyền lợi hoặc lợi ích trái pháp luật. Nhưng về quan hệ về tình dục thì không xác định được, kể cả khía cạnh tội phạm cũng không biết xét thế nào (kể cả chủ quan và khách quan).
Do đó, đại biểu Lê Nam kiến nghị: “Không nên đưa điều này vào luật và nếu có đưa ra Quốc hội thì cũng khó thuyết phục".
Theo quan điểm của ông Đỗ Văn Vĩnh (Kiểm sát viên cao cấp, Viện Phúc thẩm 3, Viện KSND Tối cao tại TP.HCM): Thực tế có những vụ án kinh tế mà bị cáo là nam giới có dấu hiệu liên quan đến phụ nữ, nhưng thuật ngữ “hối lộ tình dục” thì chưa từng xuất hiện trong quá trình tố tụng. Bởi ví như sự thật có chuyện quan hệ nam nữ để đổi lại vật chất thì đó là sự thỏa thuận của người nam và người nữ. Và họ hoàn toàn có thể nói đó là quan hệ tình cảm, nếu không đúng thì chỉ không đúng về đạo đức và cần được xem xét ở mặt đạo đức chứ không phải dưới góc độ hình sự.
“Thực tế có thể cũng có việc mua nhà, mua xe cho bồ, hoặc có người dùng thân xác để làm con đường tiến thân. Tuy nhiên tất cả những lợi ích xảy ra đồng thời, hoặc sau khi có quan hệ tình cảm đều bị điều chỉnh bởi những phạm trù pháp luật khác. Việc xem xét hành vi “hối lộ tình dục” có nên đưa vào luật hay không thật sự khó khăn và thực tế trên thế giới cũng không coi đó là một hành vi phạm tội được quy định trong luật”, ông Vĩnh nói.
Ở một góc nhìn khác, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an thì cho rằng, chuyện này phải nghiên cứu thêm, chưa nên đưa vào luật vì nó cũng không mang tính cấp bách. Hơn nữa, so với những cái hiện tồn, đó chưa phải là hành vi ghê gớm nhất.
“Chưa kể, đó là hành vi rất khó định lượng, đánh giá về mặt không gian, thời gian và tính chất của nó. Không dễ để phân biệt giữa hối lộ tình dục với chuyện tình cảm nam nữ. Nói cách khác, rất khó để có chứng cứ, căn cứ pháp lý cho hành vi phạm tội này”, ông Cương nhấn mạnh.
Mặt khác, theo ông Cương, ở Việt Nam, số người phạm tội hối lộ tình dục không đáng kể. Tham nhũng ở Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ những hợp đồng không chính thức, vô văn bản giữa doanh nhân với quan chức, doanh nghiệp và cơ quan công quyền. Đó mới là điều đáng lo hơn cả.
Tướng Lê Văn Cương nói thêm: “Có thể ví von chuyện này như sau: Giữa một cánh đồng lúa xanh mơn mởn, có chục con trâu và vài con chuột đang cùng lộng hành, phá cánh đồng. Vậy chúng ta đánh trâu hay bắt chuột?”
Petrotimes