TPHCM:
Hối hả sắm bánh tro đón Tết Đoan ngọ
(Dân trí) – Dù xã hội hiện đại phát triển nhanh chóng nhưng ngày Tết Đoan ngọ (Tết giết sâu bọ) vẫn là một truyền thống lâu đời mà người dân TPHCM còn lưu giữ. Sáng 22/6, nhiều người vội vã tranh thủ ghé chợ mua vài chục bánh tro đón ngày tết độc đáo này.
Tục truyền thì ngày tết này xuất xứ từ Trung Quốc, có thuyết là từ Hàn Quốc. Thậm chí hai nước này từng tranh cãi với nhau về xuất xứ của ngày tết Đoan ngọ là của nước nào. Một số học giả Việt Nam lại cho ngày tết này mới chính là tết dân gian truyền thống của nước ta, có từ thời vua Lê Đại Hành, còn Tết Nguyên đán là ngày tết của người Trung Quốc.
Dù có nhiều thuyết khác nhau về nguồn gốc ngày Tết Đoan ngọ, thế nhưng, đây là một ngày tết dân gian truyền thống được người Việt tổ chức hàng năm từ bao đời nay là điều có thể khẳng định chắc chắn. Và nó còn có cái tên rất thuần Việt là Tết giết sâu bọ. Đây là ngày mà ông cha ta thường phát động phong trào tiêu diệt sâu bọ để bảo vệ mùa màng; ăn bánh tro, rượu nếp để diệt giun sán trong người…
Trong mâm cơm cúng Tết giết sâu bọ có thể bày biện các thức ăn, trái cây tùy ý gia chủ và tùy vào đặc trưng ẩm thực vùng miền. Tuy nhiên, có những món đặc trưng không thể thiếu trong bất cứ mâm cơm cúng Tết Đoan ngọ nào, đó là bánh tro và rượu nếp hoặc cơm rượu nếp. Đặc biệt là món bánh tro gần như đã trở thành đặc trưng của ngày Tết Đoan ngọ, cứ nhắc tới Tết Đoan ngọ là người ta liên tưởng ngay đế bánh tro. Loại bánh này có nơi còn gọi là bánh ú, bánh gio, bánh ú tro…
Bánh tro là loại bánh được làm bằng gạo nếp đã ngâm nước tro. Tro này được lấy sau khi đốt các loại cây khô hoặc rơm rạ. Vỏ bánh thường là bằng lá tre, lá chuối… tùy từng địa phương. Lá được quấn thành hình chóp rồi cho vào một lượng gạo nếp vừa phải, bẻ góc xếp lại thành hình bánh ú, nhưng bánh tro nhỏ hơn loại bánh mà người miền Nam gọi là bánh ú rất nhiều.
Trong ngày 22/6, các sạp bán bánh ú tro xuất hiện ồ ạt tại tất cả các chợ truyền thống, kể các chợ truyền thống ở trung tâm như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1)... Ngay trên 1 số tuyến đường chính ở khu vực các quận trung tâm như Nguyễn Trãi (quận 5), Lê Văn Sĩ (quận 3)… cũng xuất hiện nhiều sạp bán bánh tro di động trên vỉa hè để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hiện trên thị trường có 2 loại bánh tro, không nhân và có nhân, để phục vụ khẩu vị của từng người. Nhân bánh thường là đậu xanh hoặc dừa, sau này người miền Nam còn cho thêm sầu riêng vào để tăng thêm hương vị cho chiếc bánh.
Theo các tiểu thương, sức mua bánh tro năm nay không có dấu hiệu suy giảm mà còn tăng chút ít so với năm ngoài, giá bánh cũng tăng cao hơn năm ngoái. Sáng 22/6, giá bánh loại có nhân giao động trong khoảng 40.000 - 60.000 đồng/chục, giá bánh loại không nhân giao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/chục. Mức giá này cao hơn khoảng 5 ngàn đồng/chục so với năm ngoái.
Tùng Nguyên – Thảo Trần