1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hồi chuông cảnh báo cho phụ nữ lao động di cư

Nhân vụ 136 phụ nữ Việt Nam vừa được cảnh sát Malaysia giải cứu thành công tại động mại dâm ở nước này đã cho thấy, công tác quản lý đang có những khoảng trống nhất định. Làm thế nào để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ngay tại chính quê nhà để chị em không phải ly hương đã được bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam nhấn mạnh với PV báo Đại Đoàn Kết.

PV: Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được cho là một trong những giải pháp được Chính phủ quan tâm để giúp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân, đặc biệt ở những vùng nghèo, vùng khó khăn. Trong năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều khởi sắc như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Trong thời gian, qua Hội LHPN Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho phụ nữ về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về XKLĐ. Trong khuôn khổ chương trình cho vay ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội nguồn vốn cho vay đi XKLĐ, các cấp Hội cũng đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền về thủ tục, các quy định đối với nguồn vốn này. Bên cạnh đó, Trung ương Hội còn phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH tổ chức 15 cuộc đối thoại chính sách về di cư lao động an toàn, phòng chống mua bán người, trong đó có tư vấn, giải đáp về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động). Các hoạt động này được tổ chức tại các xã, phường vùng biên giới, khu vực có nguy cơ mua bán người để thông tin đến được với đông đảo người dân và hội viên phụ nữ.

Tuy nhiên, đâu đó công tác XKLĐ đặc biệt là với chị em phụ nữ dường như vẫn còn một khoảng trống nhất định, khiến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như vụ việc 136 phụ nữ Việt Nam vừa được cảnh sát Malaysia giải cứu thành công tại một tụ điểm mại dâm là một trong những vụ việc khiến chúng ta phải suy nghĩ. Với tư cách là người đại diện cho giới phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam nhận định gì về tình trạng này?

- Theo chúng tôi được biết, hiện chưa có thông tin chính thức về việc 136 phụ nữ Việt Nam vừa được cảnh sát Malaysia giải cứu đã sang Malaysia theo con đường nào, có phải thông qua hình thức XKLĐ hay không? Tuy nhiên, tình trạng mua bán người đang là vấn đề đáng lo ngại của nhiều nước trong khu vực, trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nạn nhân chủ yếu của nạn mua bán người vẫn là phụ nữ, vì vậy Hội LHPN Việt Nam đã sớm quan tâm đến các hoạt động phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em. Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ cũng như thực hiện vai trò được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người và Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011– 2015, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người cho hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng.

Vậy thời gian tới, các cấp Hội cần có cách tuyên truyền, giáo dục như thế nào để nâng cao nhận thức cho Hội viên hội phụ nữ, thưa bà?

- Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền phòng ngừa thông qua nhiều hình thức như tổ chức chiến dịch truyền thông cộng đồng, truyền thông trong các cuộc sinh hoạt hội viên, các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về chính sách ở các địa bàn có đông lao động di cư và các vùng có nguy cơ xảy ra mua bán người, Hội còn thành lập các mô hình điểm về phòng ngừa mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Tại đó, chị em được tư vấn về tâm lý, sức khỏe, được hỗ trợ điều trị bệnh, hỗ trợ học nghề để có thể tái hòa nhập cộng đồng. Tại các địa phương, các cấp Hội tích cực quan tâm, giúp đỡ chị em các thủ tục pháp lý như đăng ký hộ khẩu, khai sinh cho con, xin cấp đất ở, hỗ trợ vốn vay ban đầu, quyên góp ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà mái ấm tình thương…Thời gian tới, Hội sẽ tích cực phối hợp với các cấp, ngành tập trung tuyên truyền về những thủ đoạn của bọn buôn bán người, đồng thời tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo và làm giàu ngay tại quê hương.

Sự việc phụ nữ Việt Nam được giải cứu tại Malaysia nói riêng, cũng như các trường hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài bị mua bán; Hội LHPN Việt Nam có những biện pháp gì để hỗ trợ khi họ đang bơ vơ nơi xứ người?

- Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (2012-2017) xác định một nội dung của công tác đối ngoại là "Vận động, tập hợp phụ nữ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ổn định và phát triển tại nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực, phù hợp vào phong trào phụ nữ và công cuộc phát triển đất nước”. Hội cũng lên tiếng và phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước bảo vệ nhân phẩm và quyền của phụ nữ Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ hoạt động của Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO), Hội đang có quan hệ với Hội đồng Quốc gia các Tổ chức Phụ nữ Malaysia (NCWO) và các tổ chức phụ nữ khác trong khu vực. Vấn đề buôn bán người đã được các nước quan tâm và đưa vào chương trình nghị sự, nhằm đấu tranh chống lại các hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em, xây dựng mạng lưới trong ASEAN phòng chống và giải quyết các vấn đề liên quan đến buôn bán người, bảo vệ lao động nhập cư. Ban Lãnh đạo ACWO trong năm 2014, đã thống nhất sử dụng quỹ để tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập các nạn nhân bị buôn bán sang Malaysia trở về quê hương.

Với vụ việc 136 cô gái Việt Nam tại Malaysia, Hội LHPN Việt Nam sau khi nhận được thông tin trên báo chí đã nhanh chóng liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Hội đồng Quốc gia các Tổ chức Phụ nữ Malaysia (NCWO), Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển Cộng đồng Malaysia với mong muốn có sự phối hợp nhằm giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nạn nhân. Chúng tôi sẽ cập nhật ngay khi có thông tin chính thức từ phía các cơ quan, tổ chức nói trên. Còn khi các chị em đã về nước thì Hội sẽ có các biện pháp hỗ trợ về tâm lý và pháp lý nếu cần để giúp chị em hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Trân trọng cám ơn bà!

Theo Nhã Phương

Đại Đoàn kết