1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM vào cuộc vụ bé trai nghi bị bạo hành

(Dân trí) - Ngày 23/9, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nghi vấn bé trai bị bạo hành trong chung cư The Flemington, phường 15, quận 11.

Theo luật sư Nữ, sau khi nhận được thông tin vụ việc đã phối hợp với chính quyền địa phương và mẹ nạn nhân để làm rõ.

Như báo Dân trí đã đưa tin trước đó, nạn nhân là bé trai V.Q.K, sinh năm 2009, con ruột của chị N.T.H.Y., sinh năm 1983. Bé K. đang sống cùng cha ruột là ông V.V.Q. và mẹ kế là và Đ.N.P. tại chung cư trên.

Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM vào cuộc vụ bé trai nghi bị bạo hành - 1
Các vết thương trên lưng và trên đùi cháu K.

Do phát hiện có nhiều vết thương, vết bỏng trên người cháu nên các giáo viên trường tiểu học T.Q.T (nơi bé K. theo học) đã chụp ảnh lại và gửi đến Uỷ ban Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em với mong muốn làm rõ.

Ngày 22/9, công an đã mời những người có liên quan đến cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ điều tra, làm sáng tỏ vụ việc. Tối cùng ngày, đại diện UBND, Công an phường 15, Chủ tịch Hội phụ nữ quận 11, đại diện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM cùng chị Y. đã đến Tòa nhà The Flemington để làm việc.

Tuy nhiên, ông V.N.Q., bà Đ.N.P. và cháu K. không có tại đây. Sau thời gian chờ đợi nhưng vẫn không gặp được nên đoàn đã lập biên bản và ra về.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đỗ Trúc Lâm (Hãng luật Lâm Trí Việt) cho biết, cha mẹ, người thân hoặc bất kỳ người nào cũng cần chủ động quan tâm và kịp thời phát hiện trẻ có tình trạng bị bạo hành, qua những biểu hiện tâm lý của trẻ như trẻ lo âu sợ hãi, hoảng loạn hoặc biểu hiện về thể chất như bị thương tích trên cơ thể.

“Khi phát hiện trẻ bị bạo hành cần ngay lập tức báo cho cha mẹ hay người thân của trẻ can thiệp. Trường hợp khẩn cấp thì nhanh chóng tố giác vụ việc đến cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi trẻ đang sinh sống, hoặc liên hệ Hội Bảo vệ quyền trẻ em để được trợ giúp”, luật sư Lâm nói.

Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM vào cuộc vụ bé trai nghi bị bạo hành - 2
Vết bầm ở phần mông bé K.

Theo luật sư Lâm trong trường hợp cha, mẹ đã ly hôn và bản án tuyên người mẹ có quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì người cha phải có nghĩa vụ thi hành, không được có hành vi cản trở việc trực tiếp quản lý nuôi dưỡng chăm sóc con của người mẹ. Người cố ý không chấp hành bản án có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

“Trường hợp người không trực tiếp nuôi con lấy lý do thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom. Cụ thể, Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các trường hợp sau đây sẽ bị Tòa án hạn chế quyền thăm nom con: Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý; Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Phá tài sản của con; Có lối sống đồi trụy; Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”, luật sư Lâm cho biết.

Bạo hành trẻ em là gì?

Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiện tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Bất kỳ ai cũng có thể có hành vi bạo hành trẻ em, kể cả cha mẹ, người trông nom hay đứa trẻ khác.

Theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Đây là đối tượng luôn được hưởng sự ưu tiên cao nhất. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Điều 37 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ ràng rằng, các hành vi xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ bê, lạm dụng, bóc lột sức lao động hay các hành vi khác xâm hại đến quyền trẻ em đều bị nghiêm cấm.

Người bạo hành trẻ em bị xử phạt như thế nào?

Phạt hành chính:

Các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em hoặc dùng biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em khiến chúng bị tổn thương tinh thần và đau đớn thể xác sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Ngoài ra, người bạo hành còn phải chi trả mọi chi phí khám và chữa bệnh cho trẻ em bị bạo hành.

Phạt hình sự:

- Tội cố ý gây thương tích (Điều 134)

Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Tội ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu… (Điều 185)

Nếu ông bà, cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

- Tội hành hạ người khác (Điều 140)

Nếu không thuộc trường hợp của Tội ngược đãi tại Điều 185, người có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Các mức phạt nêu trên chỉ có tính chất tham khảo, mức phạt thực tế đối với từng sự việc bạo hành trẻ em còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm cũng như các tình tiết giảm nhẹ nếu có. 

Hoàng Thuận