1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam - Quảng Trị:

Hội An di dời dân, hàng loạt tuyến đường bị ngập sâu, nhiều địa phương bị cô lập

(Dân trí) - Từ sáng đến chiều ngày 5/11, do mưa lớn và các thủy điện cùng xả lũ khiến nhiều tuyến đường liên huyện ở Đại Lộc, Duy Xuyên… bị ngập trong nước, chia cắt. Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết lượng mưa trung bình của tỉnh từ 50-110 mm, mực nước các sông đang lên nhanh.

Hội An di dời dân, nhiều địa phương bị cô lập do mưa lớn

Từ sáng nay (5/11), quốc lộ 40B từ hướng Đà Nẵng đi huyện Nam Giang (Quảng Nam) bị ngập tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc khiến nhiều phương tiện lưu thông rất khó khăn. Theo nghi nhận của PV, đoạn đường này bị ngập nước khoảng 0,4m, chiều dài khoảng 200m khiến người dân không qua lại được. Người dân qua lại đoạn này phải trả phí 10.000 đồng/lượt để một xe tải vận chuyển qua.

Lũ ngăn cách đường đi từ thị xã Điện Bàn xuống Hội An, người dân tranh thủ đập chuột. (Ảnh: N.L)
Lũ ngăn cách đường đi từ thị xã Điện Bàn xuống Hội An, người dân tranh thủ đập chuột. (Ảnh: N.L)

Ngoài ra, đoạn đường từ Đà Nẵng lên huyện Đại Lộc đoạn qua xã Đại Hiệp cũng bị ngập sâu, chính quyền đã cắm biển cấm người dân và tất cả phương tiện qua lại do nguy hiểm đến tính mạng. Chính quyền địa phương cũng cử dân quân túc trực để cảnh báo người dân.

Cồn cát trồng hoa màu dưới chân cầu Câu Lâu của người dân tại Duy Xuyên cũng ngập chìm dưới nước lũ. (Ảnh: N.L)
Cồn cát trồng hoa màu dưới chân cầu Câu Lâu của người dân tại Duy Xuyên cũng ngập chìm dưới nước lũ. (Ảnh: N.L)

Ông Trần Văn Mai – Chủ tịch huyện Đại Lộc – cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 24.000 hộ dân bị ngập lụt, trong đó có nhiều nơi bị ngập sâu, nước lũ cô lập, có nơi bị ngập trên 1,5m.

Trên địa bàn huyện cũng đã có người bị thương do mưa lũ là ông Đinh Văn Dưỡng (SN 1973, thường trú tại thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa), ông Dưỡng bị điện giật trong lúc dọn lụt và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.


Khắp các ngõ xóm chìm trong biển nước, người dân phải đi ghe hoặc lội nước để mua thức ăn. (Ảnh: N.L)

Khắp các ngõ xóm chìm trong biển nước, người dân phải đi ghe hoặc lội nước để mua thức ăn. (Ảnh: N.L)

Trên địa bàn huyện Duy Xuyên, một số đoạn đường từ hướng thị trấn Nam Phước các xã phía Tây và Mỹ Sơn đã bị ngập khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Tuyến huyết mạch từ thị xã Điện Bàn đi Hội An đã bị nước lũ chia cách. Người dân muốn qua lại phải dùng ghe.

Nhiều tuyến đường tại thị xã Điện Bàn bị nước lũ chia cắt, người dân đi lại rất khó khăn. (Ảnh: N.L)
Nhiều tuyến đường tại thị xã Điện Bàn bị nước lũ chia cắt, người dân đi lại rất khó khăn. (Ảnh: N.L)

Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi nước lũ ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn đang tiếp tục lên nhanh, mực nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn đều đã vượt mức báo động 3 do mưa to gió lớn kết hợp với các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ.

Tại TP Hội An, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch TP Hội An – cho biết, mực nước lúc 14h40 ở Hội An là 2,63m. Dự báo sẽ tiếp tục lên vì đến 18h tối thủy triều sẽ lớn lại. TP Hội An đã họp chỉ đạo triển khai di dời dân theo phương án tại chỗ với mức lũ dự kiến tương đương lũ năm 1999 (khoảng 3,2m).

Lũ lên nhanh ở Quảng Nam

“Việc di dời phải hoàn thành trước 17h chiều nay (5/11). Do đó đề nghị mọi người cần lưu ý cộng tác với chính quyền thực hiện một số việc”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, người dân chấp hành mệnh lệnh di dời của thành phố và các xã phường; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống, đèn pin, thuốc thông thường để chủ động xử lý cì đề phòng khả năng ngập lâu. Những vị trí ngập sâu ngành điện sẽ cắt điện để đảm bảo an toàn; thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động tự phòng tránh.

Nước lũ cuồn cuộn chảy về, nước dâng cao rất nhanh (ghi tại chân cầu Vĩnh Điện). (Ảnh: N.L)
Nước lũ cuồn cuộn chảy về, nước dâng cao rất nhanh (ghi tại chân cầu Vĩnh Điện). (Ảnh: N.L)

Theo dự báo của Đài khi tượng thủy văn Quảng Nam, trên địa bàn một số nơi đã xảy ra mưa to đến rất to như Trà My 439mm; Tiên Phước 396mm; Hiệp Đức 291mm, Nông Sơn 255mm; Giao Thủy 204mm; Câu Lâu 269mm; Hội An 252mm; Phước Sơn 384mm; Ái Nghĩa 236mm; Tam Kỳ 343mm.

Đến chiều ngày 5/11, nhiều nơi nước lũ đã ngập sâu khiến nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như ĐT 609, ĐT 610… bị chia cắt. Các tuyến quốc lộ 40B, 14B, 14D, 14E, 40B và 24C bị sạt lở nghiêm trọng với tổng khối lượng khoảng 1.337m3.

Tuyến đường ĐT609B từ TP Đà Nẵng lên Đại Lộc (Quảng Nam) bị ngập trong lũ tại xã Đại Hiệp. Chính quyền đã cắm biển cấm người dân và phương tiện qua lại
Tuyến đường ĐT609B từ TP Đà Nẵng lên Đại Lộc (Quảng Nam) bị ngập trong lũ tại xã Đại Hiệp. Chính quyền đã cắm biển cấm người dân và phương tiện qua lại

Theo dự báo, trong chiều và tối nay, nước lũ sẽ tiếp tục lên cao. Một số địa phương đã sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Đặc biệt, do sóng to gió lớn cộng với mưa nhiều, bờ biển Cửa Đại đã bị sạt lở nặng với chiều dài 1,1km, chiều rộng hơn 10m và đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Trên quốc lộ 40B đã bị ngập nước khoảng 200m, người dân phải dắt xe đi bộ
Trên quốc lộ 40B đã bị ngập nước khoảng 200m, người dân phải dắt xe đi bộ

Chiều ngày 5/11, Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, hiện nay lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn tiếp tục lên. Mực nước trên các sông lúc 14h ngày 5/11/2017 như sau: Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 9,70m, trên báo động III: 0,70m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 9m, trên báo động III: 0,40m; Câu Lâu là 4,37m, trên báo động III: 0,37m; Hội An là 2.60m, trên báo động III: 0,60m; trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ là 1,85m, trên báo động I: 0,15m.

Dịch vụ trả tiền để vận chuyển xe máy qua đoạn đường bị ngập
Dịch vụ trả tiền để vận chuyển xe máy qua đoạn đường bị ngập

Dự báo chiều và đêm ngày 5/11, mực nước trên các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên. Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 10,2m, trên báo động III là 1,20m. Trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 9,6m, trên báo động III là 1m; Câu Lâu lên mức 4,9m, trên mức báo động III là 0,9m; Hội An lên mức 2,9m, trên mức báo động III là 0,9m; trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ lên mức 2,1m, dưới mức báo động II là 0,1m.

Lực lượng dân quân đang canh ở điểm ngập sâu

Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các huyện: Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang và ngập úng ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, TP. Tam Kỳ.

Trưa ngày 5/1, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – đã đi kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão tại TP Hội An. Trao đổi với PV về công tác phòng chống lụt bão, ông cho biết hiện nay lãnh đạo tỉnh đang tập trung cho công tác chỉ đạo di dời dân cư, cảnh báo thông tin thường xuyên cho dân biết để phòng tránh.

Quảng Trị: Nước tràn vào nhà dân, nhiều tuyến đường bị ngập sâu

Theo báo cáo mới nhất từ Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị, lượng mưa trung bình của tỉnh từ 50-110 mm, mực nước các sông đang lên nhanh. Tại huyện Hải Lăng, hàng trăm nhà dân sống ven sông, vùng thấp trũng bị nước tràn vào nhà gây ngập.

Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua đã làm ngập nhiều tuyến đường, gây cô lập nhiều địa bàn thuộc vũng trũng thấp và miền núi của tỉnh Quảng Trị… Trong đó, nhiều địa bàn vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng như: Hải Sơn, Hải Tân, Hải Hòa bị ngập chừng 0,3-0,4m, có nơi gần 1m.

Khu dân cư tại Câu Nhi, xã Hải Tân bị ngập
Khu dân cư tại Câu Nhi, xã Hải Tân bị ngập

Ông Dương Viết Hải – Trưởng Phòng NN– PTNT huyện Hải Lăng cho biết, hiện có hàng trăm hộ dân ở Hải Tân, Hải Sơn, Hải Hòa bị ngập lụt, nước tràn vào nhà, ngập từ 0,2-0,3m. Một số nơi ở sát bờ sông ngập gần 0,5m.

Mực nước dâng cao ngấp nghé nhà dân
Mực nước dâng cao ngấp nghé nhà dân

Nhiều đoạn đường bị ngập sâu hơn 0,5m
Nhiều đoạn đường bị ngập sâu hơn 0,5m

Các tuyến đường giao thông ở Hải Tân – Hải Sơn – Hải Hòa bị chia cắt, có đoạn ngập từ 0,3 – 0,7m. Vùng thượng nguồn ở xã Hải Sơn đang có chiều hướng rút xuống, lượng nước vùng đồng bằng dâng lên.

“Huyện đã chỉ đạo cho các xã triển khai các biện pháp ứng phó. Các hộ có hoàn cảnh neo đơn được đưa đến những nơi kiên cố, an toàn”, ông Hải nói.


Ngập lụt chia cắt nhiều nơi (Ảnh: Ngô Tăng)

Ngập lụt chia cắt nhiều nơi (Ảnh: Ngô Tăng)

Tại huyện Triệu Phong, bà Nguyễn Thị Triều Thương – Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện địa bàn chưa bị ảnh hưởng gì. Riêng một số vùng thấp ở xã Triệu Thành bị ngập khoảng 70 nhà, nhưng mức độ nhẹ. Các xã Triệu Giang, Triệu Độ, một phần xã Triệu Thượng mực nước vẫn còn thấp.

Trước diễn biến của mưa, lũ, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành liên tục 2 công điện, trong đó nhấn mạnh các địa phương, đơn vị không được chủ quan, lơ là, cần hết sức nâng cao tinh thần cảnh giác trước diễn biến của các hình thế thời tiết nguy hiểm.

Công Bính - Đ. Đức