Học viện Ngoại giao sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức như thế nào?
(Dân trí) - Bộ Ngoại giao đề xuất sáp nhập nhiều đơn vị, thay đổi cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao so với hiện hành.
Ngày 12/1, Bộ Tư pháp cho biết đang tổ chức thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Tại hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao (cơ quan soạn thảo) đề xuất đổi tên Ban Đào tạo thành Ban Đào tạo đại học và sau đại học để thể hiện rõ hơn phạm vi công tác của đơn vị này.
Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại được đổi tên thành Ban Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, để thống nhất về tên gọi của các đơn vị tương đương trong Học viện và phân biệt với các Trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao và Viện Biển Đông.
Sáp nhập Trung tâm Thông tin, Tư liệu với Phòng Quản lý khoa học thành Ban Khoa học, Thông tin và Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế để giảm bớt đầu mối và phù hợp với quy định hiện hành về quản lý báo chí (theo ý kiến của Bộ Nội vụ).
Bộ Ngoại giao đề xuất sáp nhập Khoa Lý luận Chính trị vào Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao thành Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, nhằm giảm đầu mối (Khoa Lý luận Chính trị hiện chỉ có 2 biên chế).
Sáp nhập Khoa Tiếng Anh, Khoa Tiếng Pháp và Khoa tiếng Trung Quốc thành Khoa Ngoại ngữ nhằm tinh giản đầu mối, thống nhất quản lý các chương trình đào tạo ngoại ngữ về hành chính và chuyên môn. Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc này càng cần thiết trong bối cảnh số lượng ngoại ngữ giảng dạy tại Học viện Ngoại giao gia tăng, ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung còn có tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha…
Bộ Ngoại giao đã rà soát các quy định pháp luật và tổ chức việc kiện toàn, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao bảo đảm đáp ứng các tiêu chí thành lập và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về Hội đồng Học viện - tổ chức quản trị của Học viện Ngoại giao được thành lập và tổ chức, hoạt động theo Luật Giáo dục đại học, phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Ngoại giao. Thành viên Hội đồng Học viện Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định công nhận.
Như vậy, cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao theo dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định bao gồm: Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao; Viện Biển Đông; Ban Đào tạo đại học và sau đại học; Ban Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; Ban Khoa học, Thông tin và Tạp chí Nghiên cứu quốc tế;
Văn phòng; Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao; Khoa Luật quốc tế; Khoa Kinh tế quốc tế; Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại; Khoa Ngoại ngữ.
Ban giám đốc Học viện Ngoại giao gồm Giám đốc và không quá 3 Phó giám đốc được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.