Học tập Bác Hồ tư tưởng liêm khiết, chí công vô tư, không vụ lợi!
(Dân trí) - Trong ký ức của già làng người Vân Kiều tại Quảng Trị, Bác Hồ là vị lãnh tụ kính yêu, luôn quan tâm, lo lắng cho đồng bào. Người là biểu tượng của lối sống giản dị, liêm khiết, chí công vô tư.
Từng trải qua nhiều chức vụ làm lãnh đạo xã, sau về làm công tác tổ chức của Ban Dân tộc, những lời Bác Hồ dạy đã khắc sâu trong tâm trí ông Hồ Xuân Ven (85 tuổi, ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), trở thành bài học sâu sắc để ông áp dụng trong công việc.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày người con của núi rừng miền Tây Quảng Trị là Hồ Xuân Ven được may mắn gặp Bác Hồ, nhưng khoảnh khắc thiêng liêng ấy trong lòng ông vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Ông Ven kể lại: “Năm 1963, tôi cùng một số anh em vùng Vĩnh Linh vinh dự ra Hà Nội tham dự lễ Quốc khánh và được gặp Bác Hồ. Ngày 1/9/1963, người phụ trách đoàn thông báo chuẩn bị quần áo dân tộc để đến gặp Bác Hồ. Chúng tôi được đưa đến một căn phòng rộng của Chính phủ. Mọi thứ đã được sắp đặt chu đáo, bàn ghế được xếp ngăn nắp, trên bàn có kẹo, thuốc. Từ Vĩnh Linh trở ra, các dân tộc đều đến đầy đủ.
Vài phút sau thì Bác Hồ đến, chúng tôi đứng dậy chào Bác. Xong Bác Hồ bảo ngồi xuống, rồi Người ân cần hỏi thăm sức khoẻ, việc làm ăn ở Hợp tác xã có vấn đề gì không? Bác nói rằng, sẽ cho chúng tôi đi xem 2 HTX kiểu mẫu ở miền Bắc…"
Ông Ven nhớ như in những lời Bác Hồ dặn trong cuộc gặp năm ấy. “Bác nói chuyện không nhiều, nhưng suốt cuộc trò chuyện Bác nhắc đi nhắc lại tình đoàn kết, không được chia rẽ. Phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, biết giúp đỡ người nghèo”, ông Ven nói.
Sau đó, Bác Hồ hướng dẫn chúng tôi di chuyển xuống sảnh để chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Bức ảnh chụp với Bác Hồ năm xưa được ông lưu giữ cẩn thận, phóng to rồi treo ở gian chính nhà mình.
Theo lời ông Hồ Xuân Ven, buổi tối hôm đó, Bác Hồ mời cơm mọi người về Hà Nội dự lễ. “Khi đến bữa cơm, Bác Hồ không ăn mà ân cần đi đến từng bàn nói chuyện, giới thiệu từng món ăn, cách ăn như thế nào”.
Nói về Người, biết bao nhiêu cảm xúc thiêng liêng được ông Hồ Xuân Ven nhắc đến. Nhưng có lẽ, bài học về sự trong sạch, liêm chính của một người cán bộ là điều mà những người như ông Ven không thể nào quên.
“Hiện nay, trong xã hội cái xấu đang hiện hữu, tình trạng tham ô, tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư làm quyết liệt, mạnh tay đã có sức răn đe. Nhưng tại địa phương, ít nhiều cũng còn tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ để làm trái”, ông Ven trăn trở.
Ông Hồ Xuân Ven đúc kết: “Bác Hồ là tấm gương của sự liêm khiết, chí công vô tư. Học tập Bác Hồ ở tư tưởng không vụ lợi, không tham ô, không móc ngoặc, không lợi dụng của công. Cái gì Đảng và Nhà nước không cho làm thì đừng làm. Học Bác tinh thần yêu thương người nghèo. Làm giàu từ bản thân mình làm ra, để giúp dân, cho dân được nhờ. Làm giàu bằng sự cửa quyền là không nên”.
Đó cũng là những gì mà ông luôn nhắc nhở đến thế hệ cán bộ kế cận, nhất là những cán bộ trẻ để lãnh đạo quá trình xây dựng quê hương.
Đối với con cháu, ông Ven nói phải học tập tinh thần yêu thương người nghèo, cùng nhau làm ăn sinh sống. Học Bác Hồ cách làm ăn, cách quan hệ bạn bè, người thương yêu người. Khi làm sai phải biết cái sai để sửa để giúp đỡ nhau tiến bộ.
Ông Ven nói rằng, ông thấy vinh dự khi được cấp trên tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ. Dù ở cương vị nào, ông đều cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Trong quá trình công tác, ông luôn tận tuỵ cống hiến sức mình xây dựng quê hương.
Sau năm 1954, ông được cấp trên giao làm Xã đội trưởng, sau đó làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch xã Linh Thượng, rồi xã Vĩnh Khê. Đây là địa phương miền núi nằm ở phía Nam của giới tuyến Vĩnh Linh.
Vào năm 1968, ông được phân công làm Ban tổ chức Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh. Đến năm 1976, làm Huyện uỷ viên, Ban tổ chức Huyện uỷ Hướng Hoá.
Năm 1979, làm bộ phận tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Bình Trị Thiên. Tới năm 1989 về lại làm Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị. Ông Ven cũng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng uỷ xã Hướng Hiệp một nhiệm kỳ trước lúc nghỉ hưu.
Hiện hai vợ chồng ông Ven sinh sống trong căn nhà nhỏ cạnh Quốc lộ 9 ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Vợ ông là bà Hồ Thị Tơ (84 tuổi), trong những năm kháng chiến, bà vừa tham gia sản xuất, làm dân công vận tải. Sau đó, bà Tơ được giao làm Hội Phụ nữ ở xã Vĩnh Khê, khu vực Vĩnh Linh.
“Hai vợ chồng về sống với nhau đã mấy chục năm. Bao nhiêu năm qua, hai vợ chồng chăm sóc, yêu thương lẫn nhau”, bà Tơ tâm sự.
Với những cống hiến của mình, ông Hồ Xuân Ven đã được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, huy chương; vợ ông là Hồ Thị Tơ cũng được trao danh hiệu 55 năm tuổi Đảng vào năm trước.
Đăng Đức