1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Tĩnh:

Học sinh vi vu xe máy "kẹp" 4, không mũ bảo hiểm

(Dân trí) - Mặc dù đã có quy định cấm học sinh đi xe máy đến trường, tuy nhiên thực tế cho thấy tại Hà Tĩnh, quy định trên vẫn bị học sinh nhiều trường phớt lờ.

 
Một nhóm học sinh đi xe máy chở 4, không đội mũ bảo hiểm còn kéo theo xe đạp
Một nhóm học sinh đi xe máy chở 4, không đội mũ bảo hiểm còn kéo theo xe đạp

Nhan nhản vi phạm 

Trong những ngày qua, chúng tôi liên tục bắt gặp nhiều hình ảnh học sinh đi học bằng xe máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH) đi trên các tuyến đường liên xã, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1A. Nhiều em còn vô tư lạng lách, dàn hàng ngang trên đường. Tại trường THPT Nguyễn Huệ (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) cứ mỗi buổi sáng hoặc lúc tan học, từng tốp học sinh đi xe máy chở 3, thậm chí chở 4, đến trường. Để “né” các thầy cô giáo, trước giờ vào lớp, học sinh “giấu” xe vào các hàng quán, điểm giữ xe máy ở gần trường, rồi đi bộ vào trường. Theo một số người dân, vào giờ tan trường, các cô cậu học sinh còn tụm 3, tụm 4, dàn xe hàng ngang trên đường, vừa đi vừa trò chuyện, gây cản trở giao thông.
Một nhóm học sinh đi xe máy chở 4, không đội mũ bảo hiểm còn kéo theo xe đạp

Hầu hết học sinh trường THPT Nguyễn Huệ gửi xe máy ngoài cổng trường nên nhà trường khó có thể xử lý những học sinh vi phạm này

Còn tại các Trường THPT Kỳ Anh, tình trạng học sinh đến trường bằng xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện nhưng không đội MBH cũng xảy ra khá nhiều. Tương tự những học sinh trường khác, học sinh Trường THPT Lê Quảng Chí gửi xe máy ở hàng quán, nhà người quen, sau đó mới vào lớp. Một em  học sinh giải thích, em biết lâu nay nhà trường cấm học sinh đi học bằng xe máy, nhưng nhà xa nên em đi xe máy cho khỏe (!).

Theo một giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, vào đầu buổi học hoặc lúc tan trường, ở khu vực bên ngoài trường diễn ra tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội MBH. Tuy nhiên, khi đến lớp, các em lén lút gửi xe bên ngoài trường, giáo viên cũng khó. Bởi lẽ, các điểm giữ xe được tổ chức bên ngoài cổng trường và các nhà dân,mà trong khi đó nhà trường lại không có quyền để kiểm tra và xử lý. Hơn nữa khi ra về, học sinh thường về trước giáo viên nên khó phát hiện, xử lý.
 
Vẫn đi xe máy vì... "nhờn thuốc"!
 
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ thừa nhận, tình trạng học sinh nhà trường đi xe máy, xe đạp điện không đội MBH vẫn còn xảy ra. Và để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này, trong các giờ chào cờ đầu tuần, Ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến, tuyên truyền để học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng triển khai quy định của Sở GD-ĐT về việc cấm học sinh đi học bằng xe gắn máy; còn nếu đi xe máy điện, xe đạp điện thì phải đội MBH và yêu cầu học sinh ký cam kết không vi phạm. Ngoài ra, Ban giám hiệu làm việc với các hàng quán khu vực xung quanh trường, đề nghị họ không tổ chức giữ xe gắn máy cho học sinh. Trường hợp phát hiện học sinh vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc, hạ hạnh kiểm nhằm răn đe, giáo dục.
 
Hai học sinh trường THPT Nguyễn Huệ ngang nhiên vi phạm luật giao thông
Hai học sinh trường THPT Nguyễn Huệ ngang nhiên vi phạm luật giao thông

Đồng thời họp phụ huynh và quán triệt không cho con em đi xe máy đến trường, mà trách nhiệm của phụ huynh là trên hết. “Chúng tôi kiến nghị lên Công an huyện Kỳ Anh xin đóng một chốt giao thông trên địa bàn để cùng phối hợp với công an xã và nhà trường không những xử lý những học sinh đi xe máy đến trường mà còn nhiều vấn đề khác nữa”, ông Nguyên nói.

Trao đổi với phóng viên, Trung úy Lê Doãn Thái, cán bộ thuộc Đội CSGT Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: “Nhiều đối tượng dù đang mặc trên người bộ đồng phục học sinh đi xe máy nhưng khi được yêu cầu dừng xe thì sẵn sàng rú ga lạng lách bỏ chạy. Có trường hợp bị chặn lại còn vứt xe tại trận, “bỏ của chạy lấy người”.

Cũng không ít học sinh khi bị lập biên bản đã nói dối, không khai tên và địa chỉ thật. Chỉ khi lực lượng kiên quyết làm nghiêm bằng cách lấy giấy xác nhận của trường các em mới tỏ vẻ sợ hãi.
 
Nữ sinh đi xe phân khối lớn, không đội MBH.
Nữ sinh đi xe phân khối lớn, không đội MBH.

Do vậy, theo Trung úy Thái, để hạn chế tối thiểu tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, việc đầu tiên cần làm là nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh học sinh. Nếu các bậc phụ huynh không giao xe máy cho các em, các em cũng không thể đi mượn xe mãi được. Chỉ cần các bậc phụ huynh kiên quyết, làm mạnh, sau một thời gian nhất định tình trạng trên chắc chắn sẽ có chuyển biến. Nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng tiến hành xử phạt, chính các bậc phụ huynh lại đứng ra xin cho con, không ít người lớn còn thách thức, xúc phạm lực lượng chức năng. Ngoài ra nhà trường cần kiên quyết thực hiện cam kết, không để học sinh nhờn luật.

Từ giữa tháng 8 cho đến tháng 11, Đội CSGT (CA Kỳ Anh) đã ra quân kiểm tra, xử lý học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Trong đợt ra quân này, có khoảng 60 trường hợp vi phạm được lực lượng CSGT gửi thông báo lỗi về nhà trường và gia đình, trong đó chủ yếu là học sinh trường THPT Kỳ Anh và Nguyễn Huệ

Xuân Bắc - Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm