Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Học sinh nghỉ học khi xã lên nông thôn mới, Bộ trưởng đắn đo và đau lòng
(Dân trí) - Dẫn câu chuyện tại một xã vùng cao tỉnh Cao Bằng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ xã lên nông thôn mới nhưng học sinh phải nghỉ học do không được hỗ trợ miễn giảm học phí và ăn trưa.
Nhiều bất cập trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đại biểu Quốc hội đề cập khi phát biểu trên hội trường kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Xã đạt nông thôn mới nhưng đời sống người dân thực sự khó khăn
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa chỉ ra bất cập khi một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi; việc giải ngân chậm, vốn đối ứng cao gây khó khăn cho các tỉnh thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, xã được công nhận nông thôn mới hoặc nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, còn nặng thành tích để "bằng chị bằng em" , dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được.
Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, việc vận động xã hội hóa rất khó khăn cho tu bổ, sửa chữa đường giao thông nông thôn, vì người dân cho rằng đã vận động rồi thì việc nâng cấp tu sửa là việc của Nhà nước.
"Xây dựng nông thôn mới nhưng việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn là điều cần phải tránh, các tiêu chí phải đảm bảo khi nào đạt mới công nhận", ông Hòa nhấn mạnh.
Ông cũng góp ý cần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị, khuyến khích ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp vào nông nghiệp nông thôn, vì lĩnh vực này các doanh nghiệp rất ngại đầu tư do hiệu quả thấp.
Trong triển khai, ông Hòa cho rằng cần khắc phục việc hướng dẫn phân bổ vốn Trung ương chậm, có vốn mà không tiêu được. Số vốn này, theo ông Hòa, chậm đến tay người dân là có lỗi với dân.
"Với các xã khu vực II, II khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn được hưởng các chế độ an sinh của Nhà nước nên còn biểu hiện chần chừ không muốn phấn đấu đạt chuẩn, thậm chí có xã đến ngưỡng rồi vẫn chần chừ, đó là nghịch lý của từng chính sách", ông Hòa phân tích.
Từ thực tế này, ông cho rằng cần hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã này, để mục tiêu triển khai nông thôn mới đạt sự đồng thuận cao.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) nêu thực tế hiện nay nhiều hộ dân ở các xã được xếp là xã khu vực I, xã đạt nông thôn mới, nhưng đời sống của họ thực sự khó khăn. Nếu không tiếp tục được hưởng các chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, nguy cơ tái nghèo rất cao.
"Nếu Nhà nước không sớm có chính sách phù hợp để tiếp tục hỗ trợ cho họ, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống người dân được xác định tại Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó có thể đạt được", ông Thanh nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) ghi nhận nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia mà diện mạo nông thôn đã phát triển tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Tuy nhiên, điều cử tri rất quan tâm và còn nhiều băn khoăn là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới hiện nay khá cao.
"Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, số nợ đọng xây dựng cơ bản bao gồm cả các công trình của giai đoạn 2016-2020 có tỉnh lên tới hơn 400 tỷ đồng. Nợ xây dựng cơ bản không chỉ làm gia tăng nợ công mà còn kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tiêu cực cho kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nội dung của chương trình", vị đại biểu dẫn chứng.
Điều khiến người làm chính sách đắn đo và đau lòng
Giải trình những ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về nội dung này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận việc cần tuy duy lại mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nông thôn mới trong các chương trình mục tiêu quốc gia.
Dẫn câu chuyện tại xã Bảo Lạc ở vùng cao tỉnh Cao Bằng, ông Hoan kể khi nơi đây lên nông thôn mới, học sinh tại một trường phải nghỉ học do không được hỗ trợ miễn giảm học phí và ăn trưa. "Đây là thực tế khiến người làm chính sách đắn đo và đau lòng", theo lời Bộ trưởng Nông nghiệp.
Với các quy định hiện hành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết xã sau khi hoàn thành để lên nông thôn mới, tất cả nguồn lực đều không còn nên dẫn đến thực trạng nhiều nơi "không muốn đạt chuẩn nông thôn mới".
Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, ông Hoan cho rằng cấu trúc của chương trình còn lỏng lẻo; việc thực hiện chương trình chịu áp lực kép. "Một bên là mong muốn tất cả xã lên nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu của đại hội địa phương, nhưng một bên, nhiều xã lại không mong muốn lên nông thôn mới vì họ bị giới hạn nguồn lực và hỗ trợ, nên có tư duy giống như không thoát nghèo và ở lại diện nghèo", Bộ trưởng Nông nghiệp lý giải.
Tự thừa nhận chính sách trong vấn đề này chưa ổn và "nhận về phần mình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh định hướng chính sách phải đảm bảo tạo ra năng lực cụ thể cho địa phương, không thể ngân sách Nhà nước cứ đi đầu tư trong khi chưa phát huy hết năng lực của cộng đồng.
Một thực tế khác được Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra, là khi ban hành chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ đã cố gắng có cơ chế đặc thù riêng cho từng vùng miền. Tuy nhiên, ngay trong vùng cũng có chênh lệch giữa các địa phương.
Trong làm chính sách, ông Hoan thừa nhận rất khó để có đủ cách tiếp cận cho từng địa bàn, song ông nói tới đây sẽ tính toán thêm về vấn đề này.