1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Học sinh bị “hỏi cung” chưa thể đến trường

Sáng 5/9, trong khi bạn đồng lứa nô nức đến trường dự khai giảng thì Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học sinh bị hoảng loạn sau cuộc “hỏi cung” vì nghi án 47.800 đồng ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, lại phải nghỉ học, chuẩn bị tư trang lên TPHCM chữa bệnh.

Thấy em trai sửa soạn đi học, Trâm đứng nhìn xa xăm, có vẻ buồn. “Không biết đến khi nào thì cháu có được cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác”, chị Nguyễn Thị Nga, mẹ của Trâm nghẹn ngào, nói.

 

Chị Nga kể, tối 4/9, khi thày chủ nhiệm lớp cũ của em gọi điện thông báo ngày khai giảng, Trâm chỉ lặng nghe rồi tắt máy. Cách đây hơn 1 tháng, Trâm viết chữ được, thích viết nhưng vẫn còn sai nhiều lỗi chính tả. Một lần, trên đường lên TPHCM, thấy nhiều học sinh tung tăng đến trường, đang yên lành bên mẹ, Trâm bỗng nổi xung, cáu gắt.

 

Cũng theo lời chị Nga, sau gần 6 tháng điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Tâm thần TPHCM, sức khỏe Trâm đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, em vẫn chưa nói thành tiếng rõ ràng, không chịu tiếp xúc với người ngoài, kể cả bạn thân. Gia đình đã chuyển em lên thị xã Sa Đéc sống cùng bà ngoại, để cách ly môi trường gây bệnh cho em.

 

Học sinh hoảng loạn vì nghi án 47.800 đồng

 

Kiểm điểm hiệu trưởng và công an xã “hỏi cung” học sinh

 

Vụ “hỏi cung” học sinh lớp 5: Cơ quan chức năng vào cuộc

 

Học sinh bị “hỏi cung” nhập viện trong hoảng loạn

 

Hiệu trưởng "hỏi cung" học sinh xin từ chức

 

Giải trình của hiệu trưởng, công an "hỏi cung" học sinh

 

Giám đốc sở Giáo dục xin lỗi gia đình bé Trâm

 

"Điều quan trọng là phải cứu được bé Trâm"

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nghe các đương sự trình bày vụ bé Trâm

Trâm đã nhiều lần viết thư cho bác sĩ Hoàng Vũ Huỳnh Trang, người trực tiếp điều trị tâm lý cho em. Theo bác sĩ Trang, trong thư, học sinh này nói nhận thức được nhưng không thể tự chủ hành động của mình.

 

“Trâm có trở lại bình thường hay không tùy thuộc vào bản thân em, gia đình và những người xung quanh, vì họ tác động đến sinh hoạt hằng ngày của em”, bác sĩ Trang cho biết.

 

Trong thời gian Trâm phải nghỉ chữa bệnh ở nhà, tuần 2 lần, các thày cô trường Tiểu học An Hiệp 2 đến thăm hỏi, động viên em, với hy vọng em có thể sớm trở lại trường.

 

Theo ông Hà Phước Hưng, Phó phòng tổ chức, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Châu Thành, nếu Trâm bình phục hoàn toàn, phòng sẽ đề nghị nhà trường cử thày giáo đến nhà phụ đạo kiến thức và có thể chuyển thẳng em lên lớp 6.

 

“Chúng tôi sẽ thành lập hội đồng sư phạm lấy ý kiến về việc đặc cách cho Trâm. Nhưng còn tùy vào quyết định của gia đình và bản thân học sinh này, nếu em muốn chuyển đến trường khác thì chúng tôi cũng giúp em toại nguyện”, ông Hưng nói.

 

Huỳnh Thị Ngọc Trâm, nguyên học sinh lớp 5, trường tiểu học An Hiệp 2, bị nghi ngờ lấy 47.800 đồng tiền quỹ lớp. Ngày 14/3, nguyên hiệu trưởng Lưu Văn Ca cử thày giáo phụ trách đội là Lê Văn Xem chở em đến Công an xã, đưa vào phòng riêng lấy lời khai, bắt viết bản tường trình mà không có người giám hộ. Sau đó, Trâm bị hoảng loạn tinh thần, phải nghỉ học để điều trị tới nay. Những người liên quan đến việc lấy cung bé Trâm đã chịu cảnh cáo, kỷ luật.

 

Theo An Nhơn
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm