1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Học bảo tồn voi nhà vì sốt ruột với việc mất dần đàn voi

(Dân trí) - Hướng đến công tác bảo tồn voi, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk sẽ cử cán bộ tham gia khóa học quốc tế về “Chăm sóc dinh dưỡng, sinh sản và quản lý đàn voi nhà”.

Chiều 25/4, ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, khóa học này do Trường Cao đẳng Thú y Hoàng gia Anh phối hợp với Trường Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Khoa thú y và Khoa động vật của Sri Lanka triển khai. Ông Luân cũng cho biết, hiện Trung tâm đã ấn định tên tuổi của cán bộ được cử đi học, việc học có thể được triển khai trong các tháng tới.

Học bảo tồn voi nhà vì sốt ruột với việc mất dần đàn voi
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, tính đến nay đàn voi nhà tỉnh này chỉ còn lại 52 con.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - ông Huỳnh Trung Luân cho biết thêm, khóa học này bao gồm việc học trực tuyến do các giảng viên đầu ngành, giàu kinh nghiệm hướng dẫn giảng dạy; cán bộ được cử đi học sẽ nghiên cứu lý thuyết, tài liệu ở trong nước trước. Sau khi kết thúc việc học trực tuyến, cán bộ được cử đi học sẽ sang Sri Lanka vận dụng kiến thức đã được học để thực hành việc “Chăm sóc dinh dưỡng, sinh sản và quản lý đàn voi nhà”.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, tính đến nay, đàn voi nhà tỉnh này chỉ còn lại 52 con (đực 22, cái 30), trong đó huyện Buôn Đôn có 28 con, còn huyện Lắk có 24 con.
 
Trong nhiều năm qua, voi nhà Đắk Lắk không những không sinh sản mà còn hao hụt vì những nguyên nhân khác nhau. Mới đây ngày 10/2/2013, nài voi Y Niết B.Yă đưa voi H’plul, khoảng 37 tuổi, giống cái vào khoảnh 3, tiểu khu 485, thuộc lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn để chăn thả. Sáng hôm sau, ông trở lại vị trí chăn thả để dắt voi đi trực du lịch thì phát hiện voi H’plul đã chết cứng giữa rừng. Voi H’plul nặng khoảng 1,2 tấn; cao 2,7 mét, dài khoảng 3 mét.
 
Tiếp đến ngày 9/4, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một cá thể voi nhà 63 tuổi, giống cái, chiều cao 2,3 mét; đường kính bàn chân trước 35cm; đường kính bàn chân sau 24cm; chiều dài thân 3 mét; chiều dài vòi là 1,2 mét cũng chết tại tiểu khu 485 - Vườn quốc gia Yok Đôn. Chú voi chết có tên Buôn Nhang, thuộc sở hữu của ông Y GLư Buôn Krông, trú tại buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Phải chăng voi nhà Đắk Lắk đang bị khai thác du lịch quá mức?
Phải chăng voi nhà Đắk Lắk đang bị khai thác du lịch quá mức?

Trong một cuộc điều tra của PV Dân trí, hầu hết các chủ voi ở Đắk Lắk cho biết, lâu nay khi voi có bệnh họ thường chữa bệnh bằng phương pháp dân gian truyền thống. Ông Đàng Năng Long (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) - người có nhiều voi nhất tại Đắk Lắk - được mệnh danh là “bác sỹ chữa bệnh cho voi” - cho biết thời gian gần đây đàn voi nhà của ông thường gặp chứng “sưng u bướu” mọc khắp cơ thể. Bệnh này theo ông là do nguồn nước không sạch cộng với việc thiếu nguồn thức ăn nên voi bị thiếu chất, thiếu Vi-ta-min dẫn đến việc không có sức đề kháng đối với bệnh tật.
 
Theo ông Long, bệnh này khá khó chữa, có con mổ mấy chục vết vẫn chưa lành. Nếu voi bị sưng khớp thì thả voi vào rừng tự voi sẽ biết cách tìm cây lá ăn để chữa bệnh. Thế nhưng một sự thật hiện nay rừng bị tàn phá, cây thuốc có khả năng chữa bệnh cho voi bị “xóa sổ” hoặc nếu còn thì nằm sâu trong rừng. Cho nên ông Long thường dùng giải pháp thay thế cách chữa bệnh cho voi bằng cây lá. Cụ thể, ông Long dùng vỏ cây lộc vừng và lá cây trâm cộng với một ít muối hạt nấu lên lấy nước để rửa vết thương cho voi để sát trùng. Nhờ vậy vết thương nhanh khô hơn. Sau khi rửa xong, ông Long dùng thứ đất đào từ tổ mối hoặc men làm rượu từ bột gạo giã ra đắp lên vết thương.

Còn ông Nguyễn Đức - Trưởng bộ phận Trung tâm Du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn), trăn trở: “Voi ở trung tâm cũng hay bị chảy nước mắt hoặc bị tiêu chảy. Để chữa các chứng bệnh này chúng tôi thường dùng các loại lá cây, rễ cây trong rừng để trị bệnh cho voi. Thậm chí khi voi bị đau mắt chúng tôi dùng thuốc nhỏ mắt cho người để chữa cho voi. Sở dĩ phải làm như vậy bởi thực sự chúng tôi không có chuyên gia về chăm sóc, chữa bệnh cho voi”.

Ngay cả PGS.TS Bảo Huy - Trường Đại học Tây Nguyên (Chủ nhiệm Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010) trong một lần trao đổi với PV Dân trí, cũng khẳng định, để thực hiện tốt việc bảo tồn voi phải đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, bởi hiện nay nguồn nhân lực bảo tồn voi đang ở con số 0. Không chỉ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk mà hiện tại Việt Nam cũng chưa có chuyên gia về voi.

Viết Hảo