1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hoạt động của Việt Nam với tư cách là PCT Uỷ ban chống khủng bố

(Dân trí) - Mặc dù thời gian này Bộ Ngoại giao Việt Nam khá bận rộn với trọng trách ngoại giao mới khi mà Việt Nam là Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, Thứ trưởng thường trực Phạm Bình Minh vẫn dành thời gian thông tin qua điện thoại với <i>Dân trí</i> về việc Việt Nam vừa được phân công làm <a href="http://www1.dantri.com.vn/Sukien/2008/1/213176.vip">Phó Chủ tịch Ủy ban Chống khủng bố của HĐBA.</a>

Ông Phạm Bình Minh cho biết: “Việc Việt Nam được phân công làm Phó Chủ tịch Uỷ ban chống khủng bố vào ngày 4/1 vừa qua là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng khi chúng ta tham gia vào HĐBA LHQ. Đây cũng là một trong 20 cơ chế của Hội đồng Bảo an, cũng như việc Việt Nam được phân công làm Chủ tịch Ủy ban về Xiêra Lêôn, Phó Chủ tịch Ủy ban về Libăng, CHDC Cônggô. Các hoạt động của Uỷ ban này sẽ được thực hiện theo quy chế của HĐBA nhằm đảm bảo các nghị quyết của Uỷ ban đều được các nước thành viên thực hiện đầy đủ”.

Được biết, Uỷ ban chống khủng bố thuộc HĐBA gồm có 15 nước thành viên và được chia thành 3 tiểu ban A, B, C. Chủ tịch Uỷ ban hiện nay là ngài Mirjana Mladineo, Đại diện thường trực của Cộng hoà Croatia.

Các phó chủ tịch hiện nay, mỗi người đứng đầu một tiểu ban, là Đại sứ Jean-Maurice Ripert, Đại diện thường trực của Pháp; Đại sứ Vitaly Churkin, Đại diện thường trực của Liên bang Nga; và Đại sứ Lê Lương Minh, Đại diện thường trực của Việt Nam.

Việt Nam thuộc tiểu ban C cùng với các nước: Libia, Indonesia, Panama và Anh.

Uỷ ban chống khủng bố thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 1373 (2001) của HĐBA, được nhất trí thông qua ngày 28/9/2001 sau vụ tấn công ngày 11/9 tại Mỹ.

Theo nghị quyết này, HĐBA đưa ra một số quy định đối với các nước thành viên và áp dụng nhiều biện pháp trong việc chống khủng bố. Những biện pháp này gồm có tội phạm hoá các hoạt động có liên quan đến khủng bố, hỗ trợ để tiến hành những biện pháp đó, từ chối cung cấp tài chính và nơi trú ngụ an toàn cho những kẻ khủng bố, từ chối trao đổi thông tin cho các nhóm khủng bố.

Cũng theo nghị quyết này, Uỷ ban chống khủng bố gồm 15 thành viên HĐBA để giám sát việc thực thi nghị quyết của các nước, và khi cần, sẵn sàng trợ giúp về chuyên môn cho các nước thành viên.

Ngày 14/9/2005, trong Hội nghị Thượng đỉnh LHQ, HĐBA đã thông qua nghị quyết 1624 (2005), để giải quyết vấn đề về sự tăng cường các hành động khủng bố, đồng thời mở rộng thêm nhiệm vụ của Uỷ ban này gồm cả việc giám sát thực thi những bổ sung.

Kể từ khi bắt đầu Uỷ ban chống khủng bố thuộc HĐBA đã đối thoại với các nước thành viên, và làm việc để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong hệ thống LHQ và giữa các cơ quan thuộc các vùng, khu vực và quốc tế. Với việc thông qua nghị quyết 1535 (2004) của HĐBA, về việc thành lập Ban điều hành Uỷ ban chống khủng bố, Uỷ ban này đã mở rộng thêm hoạt động đi thăm các nước thành viên. 

Ông Minh cho biết thêm: “Với vị trí Phó Chủ tịch Uỷ ban chống khủng bố, sắp tới, Việt Nam sẽ tham gia tất cả các hoạt động này của tiểu ban và báo cáo tình hình cụ thể với HĐBA”.

Lê Na - Kiều Nga