1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hoang vắng thượng ngàn

(Dân trí) - Mấy chục năm trước, rừng Mường Nhé (Điện Biên) có nhiều loài động vật quý hiếm được xếp vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thời gian gần đây, những loài thú quý hiếm đó đang dần vắng bóng ở vùng thượng ngàn ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào.

Những câu chuyện quá khứ

 

Phải mất gần 1 ngày ê ẩm trên chiếc xe máy, tôi mới vào được trung tâm huyện lỵ Mường Nhé. Ông Lò Văn Phốn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé, người có thâm niên 21 năm trong ngành kiểm lâm, tiếp tôi bằng câu chuyện quá khứ: Hồi ấy Mường Nhé nhiều hổ lắm, chúng đi thành từng đàn, phát hiện con mồi là cùng nhau vây bắt bằng được.

 

Một công dân Mường Nhé tên Ón đi làm nương về, tranh thủ ra suối tắm không may bị hổ vồ. Từ đó, cả bản Nậm Dòn chia nhau đi tìm hổ để “trả thù” cho anh Ón.

 

Không chỉ có hổ mà voi cũng nhiều; hai bên suối Nậm Chà, Huổi Sâu (xã Pa Tần) bây giờ, từng đàn voi kéo nhau xuống uống nước. Nhưng rồi số phận đàn voi cũng bị định đoạt vào những năm 1988 - 1990, khi cả nước rộ lên phong trào buôn bán ngà voi. Những con voi đực to như trái núi bị người dân bắn hạ lấy ngà xuất khẩu ra nước ngoài. Thịt voi bị bỏ lại, thối rữa, hàng tháng trời mới phân huỷ hết.

 

Ở Mường Nhé có 2 người biết rõ từng “giai đoạn diệt vong” của nhiều loài động vật quý hiếm là ông Lò Văn Phốn và Bí thư Huyện ủy Chu Văn Tuyển. Ông Tuyển là Trạm trưởng Trạm Bảo vệ chim thú Mường Tè giai đoạn 1976 - 1981. Chuyện ông kể thoạt nghe như cổ tích.

 

Năm 1990 đổ về trước, vùng đất quy hoạch xây dựng trung tâm huyện lỵ bây giờ có nhiều ruộng của dân bản. Vào mùa lúa trổ, hươu nai thường xuyên về ăn lúa. Nhiều lần dân đuổi không được, họ xin phép cán bộ trạm dùng súng bắn để bảo vệ mùa màng nhưng ông Tuyển nhất định không cho. Ông bảo, hươu, nai về báo hiệu rừng Mường Tè bình yên. Bà con nên làm lán, lều để canh giữ nương, tuyệt đối không được bẫy, bắn thú.

 

Rồi có những hôm ông cùng đồng nghiệp lên rừng lấy măng, rau làm thực phẩm, thấy từng đàn khỉ, vượn đùa giỡn trên ngọn cây; sóc chuyền cành thoăn thoắt; gà lôi, công, trĩ ăn hạt dẻ, con nào cũng béo mướt bộ lông. Thế mà nay, đi mấy ngày trong rừng cũng chỉ thấy dấu chân người!

 

Và câu trả lời từ hiện tại

 

Rừng quanh khu vực trung tâm huyện đang hồi sinh nhờ những cơn mưa, sau bao lần bị cháy. Bà con dân tộc đốt rừng làm rẫy, lâm tặc khai thác gỗ bán cho đầu nậu. Rừng bị tàn phá nặng nề.

 

Tận mắt nhìn rừng bị xâm phạm, ông Phốn xót xa lắm, nhưng nhân lực mỏng, quyền hạn ít, trong khi diện tích rừng cần bảo vệ quá lớn, nên “lực bất tòng tâm”. Khi “ngôi nhà” đã bị tàn phá, các động vật quý hiếm cũng không còn nơi trú ngụ. Động vật hoang dã quý hiếm tìm đường sang rừng Lào trú ngụ.

 

Theo báo cáo mới nhất, Mường Nhé hiện có hơn 40.000 nhân khẩu. Trước năm 2005, mỗi gia đình sở hữu vài ba khẩu súng tự tạo. Tháng 5/2005, UBND tỉnh ra kế hoạch vận động nhân dân giao nộp súng, nhưng dân tộc Mông xin để lại mỗi bản một khẩu súng để “làm lý” và đã được chấp nhận. Nhưng ai dám đảm bảo rằng những khẩu súng “làm lý” ấy không được dùng để săn bắn.

 

Ở Mường Nhé bây giờ, “màu” cơ chế thị trường đã đậm lắm. Các nhà hàng, quán ăn mọc lên như nấm. Đặc sản ở đây là thịt thú rừng các loại. Tôi vào bừa một quán, gọi bừa một “con chân dài” (hoẵng) cho 20 người ăn. Chủ quán lắc đầu bảo sao không đặt trước, ở đây hàng không sẵn. Lý do là vì kiểm lâm kiểm tra gắt gao, nhà hàng đã bị phạt mấy lần nên phải cảnh giác.

 

Được biết, hàng tháng, cán bộ kiểm lâm đều đi kiểm tra đột xuất các nhà hàng kinh doanh ăn uống và lần nào cũng phát hiện, xử phạt 1, 2 trường hợp cất giữ thịt thú rừng trái phép. Song con số vi phạm trên thực tế đông hơn nhiều.

 

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn cán bộ giúp huyện Mường Nhé quy hoạch xong 3 loại rừng. Các đơn vị liên quan đang hoàn tất những phần việc cuối cùng đề nghị Chính phủ phê duyệt Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, diện tích 45.000ha.

 

Trần Văn Toại