Hoàn thiện đề án sáp nhập huyện, xã trước 30/9
(Dân trí) - Các địa phương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề án sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025 trước 30/9 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, theo yêu cầu của Chính phủ.
Nội dung này được đề cập trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa ban hành.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình quốc tế, việc điều chỉnh chính sách của các nước để chủ động dự báo, phân tích, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn đối với những vấn đề phát sinh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết cũng là định hướng được Chính phủ nhấn mạnh.
Chính phủ cũng lưu ý đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách Nhà nước, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…
"Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng", nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Trong thực hiện mục tiêu sáp nhập huyện, xã, Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Việc này, theo chỉ đạo của Chính phủ, , phải hoàn thành trước 30/9.
Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra ngay việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh, cho thuê trọ, "chung cư mini", xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngay trong tháng 6, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, TN&MT cùng chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL chịu trách nhiệm toàn diện trong việc giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm.
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp trong điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Chính phủ giao hai Bộ Tài chính và GTVT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Liên quan chính sách phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ lưu ý cần khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...