1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Hoàn thành dự án đường cứu hộ, cứu nạn hơn 777 tỷ đồng vào cuối năm 2024

Vi Thảo

(Dân trí) - Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) với tổng vốn đầu tư hơn 777 tỷ đồng, dù được triển khai thi công từ 2011 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ năm 2010 và bắt đầu triển khai thi công vào năm 2011.

Mục tiêu của dự án là hoàn thiện hạ tầng khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 777 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng chiếm hơn 754 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị chủ đầu tư.

Hoàn thành dự án đường cứu hộ, cứu nạn hơn 777 tỷ đồng vào cuối năm 2024 - 1
Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc (Ảnh: Vi Thảo).

Dự án có chiều dài 16,25km, với điểm đầu giao với quốc lộ 1A tại thị trấn Phong Điền và điểm cuối tại bãi biển xã Điền Lộc (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Dự kiến ban đầu là hoàn thành sau 3 năm thi công.

Theo chủ đầu tư, dự án này trước đây được bố trí nguồn vốn từ Chương trình xây dựng các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn của Trung ương. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có nghị quyết siết chặt đầu tư công, dự án này đã phải tạm hoãn và dừng thi công.

Đến năm 2022, công trình mới được bố trí nguồn vốn để triển khai trở lại, sau đó tiếp tục điều chỉnh tăng vốn và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024.

Trên toàn tuyến đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc có 5 cây cầu, chiều dài từ 45-180m. Trong đó, cầu vượt đường sắt tại Km0+600,26 - Km 0+657,41 có khổ lớn nhất 31m.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 64,25% tổng giá trị xây lắp. Các đoạn tuyến từ Km1+500 - Km9+800 và 2 cầu Thiềm và Bàu Bàng đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Cầu Hòa Xuân 1 và Hòa Xuân 2 cũng đã hoàn thành.

Hoàn thành dự án đường cứu hộ, cứu nạn hơn 777 tỷ đồng vào cuối năm 2024 - 2
Dự án từng "đắp chiếu" trong thời gian dài (Ảnh: Duy Lợi).

Đối với các hạng mục còn lại, sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công đã tập trung máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Riêng hạng mục cầu vượt đường sắt, do tính chất công trình phải đảm bảo lưu thông trên Tỉnh lộ 9 và an toàn chạy tàu, cần hoàn thành 1 đơn nguyên trước để lưu thông. Dự án đã thông xe đơn nguyên bên phải, rộng 15,5m, bảo đảm việc đi lại của người dân và công nhân làm việc trong khu công nghiệp Phong Điền, cũng như lưu thông hàng hóa.

Nhánh bên trái cầu vượt trùm lên đường Tỉnh lộ 9, trong đó 2 trụ cầu nằm ngay rào chắn đường sắt, công nhân đang gấp rút thi công.

Hoàn thành dự án đường cứu hộ, cứu nạn hơn 777 tỷ đồng vào cuối năm 2024 - 3
Hạng mục cầu vượt đường sắt đã hoàn thành đơn nguyên bên phải và thông xe (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đơn vị đang tập trung giải quyết việc thu hồi thêm phần đất giải phóng mặt bằng ở đoạn hai đầu cầu vượt đường sắt và các nút giao trên tuyến.

Chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa dự án về đích theo kế hoạch đề ra. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo lãnh đạo huyện Phong Điền, dự án đường cứu hộ, cứu nạn khi hoàn thành sẽ giúp kết nối khu công nghiệp Phong Điền với các trục đường quan trọng như: quốc lộ 1A, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường ven biển và cảng Điền Lộc trong tương lai, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.

Dự án còn giúp hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị khi Phong Điền lên thị xã và Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.