Hà Nội
Hoãn cưỡng chế thu hồi đất thuộc dự án tôn tạo di tích Gò Đống Thây
(Dân trí) - UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) tạm hoãn việc tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.
Nội dung trên có trong công văn vừa được UBND quận Thanh Xuân ban hành.
Theo đó, quận cho biết đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây thuộc phường Thanh Xuân Trung. Thời gian cưỡng chế vào các ngày 25-27/3.
Đối tượng cưỡng chế gồm 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án trên. Trong đó, 49 trường hợp sẽ bị tháo dỡ toàn bộ công trình, còn lại 9 công trình sẽ bị cắt xén.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng, quận tạm hoãn tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án. Thời gian cụ thể, địa phương sẽ thông báo sau.
Trước đó, theo kết luận thanh tra của UBND quận Thanh Xuân, từ năm 2016, diện tích hơn 26.700m2 của Gò Đống Thây "không còn nguyên trạng". Thời điểm di tích được giao cho UBND quận Thanh Xuân tiếp quản năm 2011, quanh di tích này đã có hơn 100 hộ dân lấn chiếm.
Đến năm 2016, sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, diện tích sau điều chỉnh là 15.336m2. Kể từ đó đến nay, vẫn tồn tại hàng chục hộ dân sinh sống, kinh doanh trong khu vực bảo vệ di tích.
Năm 2021, UBND quận Thanh Xuân ban hành kế hoạch về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây và thông báo thu hồi đất đến hai tổ chức và 67 hộ gia đình, cá nhân.
Hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận tiếp tục tiến hành công tác giải phóng mặt bằng theo quy định để thực hiện dự án này.
Khu vực Gò Đống Thây khi xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, là một vùng sình lầy, rậm rạp rộng lớn ven sông Tô Lịch. Qua hàng nghìn năm, miền đất này được người dân khai hoang đất thành đồng ruộng, xóm làng và có tên Nôm "Kẻ Mọc" gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục.
Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại. Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục vào cuối năm 1426 đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.
Sau đó, người dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là "Gò Thất Tinh", "Khu mả Thất Tinh" và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay "Gò Đống Thây" với ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.