1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Định:

“Họa sỹ làng” hơn 30 năm nuôi bộ móng tay dài gần 50cm

(Dân trí) - Hơn 30 năm nay, ông chưa một lần cắt móng tay. Giờ đây, móng dài nhất của ông đã dài đến gần 60cm, người đời nói này nói nọ, nặng lời thì kêu ông bằng “phù thủy”, nhưng ông vẫn mặc kệ, ông coi bộ móng tay là tài sản vô giá của đời mình.

Người đàn ông có bộ móng tay dài “đặc biệt” là ông Lưu Công Huyền (sinh năm 1958, ở xóm 4, xã Giao Yến, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định). Đã 33 năm nay, ông Huyền chưa hề cắt móng tay của mình, móng dài nhất đã lên đến gần 60cm.

Ông Huyền từ nhỏ đã có năng khiếu về hội hoạ. Lúc mới lên 8 tuổi, ông Huyền đã vẽ được chân dung của cha mình. Ông cho biết: “Cha tôi thường xuyên uống rượu vào mỗi bữa cơm. Một hôm tôi lấy nhọ nồi vẽ hình cha tôi đang uống rượu trên nền nhà, mọi người thấy giống hình ông ngoài đời, khiến ai cũng bất ngờ”.

Hai vợ chồng ông Huyền.
Hai vợ chồng ông Huyền.

Không chỉ vẽ giỏi, ông Huyền còn thành thạo về thêu thùa, đan lát... Công việc tưởng chừng chỉ dành cho phái nữ nhưng ông đều làm rất khéo léo. Lúc còn đi học, ông Huyền là cây “hoạ sĩ “chính cho trường. Do điều kiện thiếu thốn, nên bấy giờ cô giáo còn nhờ ông Huyền vẽ tranh cho các bạn học, vì sách rất khan hiếm.

Năm 1978, ông nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1960). Cuộc sống hạnh phúc cứ thế dần trôi qua êm đêm. Các con của vợ chồng ông bà lần lượt ra đời.

Từ khi lấy vợ ông Huyền bắt đầu có “thú vui” nuôi móng tay, nhưng lúc bấy giờ các con ông đang nhỏ nên để móng tay dài gây bất tiện khi chăm sóc con. Lúc đó móng tay dài nhất của ông chỉ có 10 cm.

Khi các con ông lớn, ông Huyền bắt đầu để móng tay tự nhiên, nhưng khi bộ móng dài đến hơn 20cm, ông thấy khó chịu cắt đi thì bị ốm. Cũng từ đấy ông không bao giờ cắt và cứ để vậy đến bây giờ. Cho đến nay là tròn 33 năm ông Huyền không cắt móng tay.

 Mặc dù bộ móng tay rất dài, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến những nét vẽ của ông.
 Mặc dù bộ móng tay rất dài, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến những nét vẽ của ông.

Ông Huyền nổi tiếng trong vùng không chỉ nhờ có bộ móng tay dài khác người mà còn nhờ vào tài vẽ rồng, vẽ phượng và vẽ các chi tiết hoa văn cho các nhà thờ tổ. Mọi công trình xây dựng như các ngôi chùa, nhà thờ ở huyện Giao Thủy hầu như đều có nét vẽ của ông.

Hiện nay ông Huyền là tổ trưởng một nhóm thợ gồm 7 người chuyên đi vẽ hoa văn, long cốt cho các đình chùa, miếu đền. Ông Huyền chia sẻ: “Cái nghề này đã gắn bó với tôi mấy chục năm rồi, đây cũng là miếng cơm của tôi và gia đình”.

Ông dẫn dắt nhiều thợ ở quê đi theo nghề vẽ của ông. Nhiều người khi đã trưởng thành, ra làm riêng nhưng vẫn kính nể vì cái tài vẽ bẩm sinh và cách sống của ông. Ông có tiếng là người thợ tài giỏi không chỉ ở quanh vùng mà ông còn được nhiều người ở các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Lai Châu,... biết đến.

Nhìn bộ móng tay ông dài loằng ngoằng như loại rễ cây, nhưng ông vẫn có thể khéo léo vẽ những hình độc đáo “Ăn cơm thì có thể có chút khó khăn, nhưng khi tôi vẽ thì chẳng gặp vấn đề gì, giờ quen rồi cắt đi lại khó chịu, khéo lại không vẽ được”, ông Huyền chia sẻ.

“Tôi thấy ông ấy để móng tay mà khổ như thế này nên nhiều lần tôi khuyên cắt đi nhưng ông ấy không chịu. Chỉ nhận được câu trả lời là không bao giờ”, bà Nguyễn Thị Thuận chia sẻ.

Dần dần bà Thuận cũng quen và hiểu chồng, nên bà cũng thông cảm và không khuyên ông cắt móng tay nữa.

Chính vì có bộ móng tay “quá khổ” mà người dân đặt cho ông Huyền cái tên “dị nhân”. Thậm chí, có người con thách đố 10 triệu đồng để xem ông có cắt bộ móng tay của mình không, nhưng ông bảo có cho thêm tiền cũng không cắt đi.

Để không ảnh hưởng đến bộ móng tay của mình, quần áo của ông được thiết kế riêng, mỗi chiếc áo đều có khoá từ khuỷu tay xuống..., như thế sẽ dễ mặc áo mà không ảnh hưởng đến bộ móng tay.

 Cận cảnh bộ móng tay dài “đặc biệt” của ông Huyền.
 Cận cảnh bộ móng tay dài “đặc biệt” của ông Huyền.

Đi đường, nếu không may gặp trời mưa, ông phải dùng túi nilon bọc bộ móng tay vì sợ nước mữa ngấm vào sẽ làm móng tay mềm ra và khả năng cao là rụng mất móng.

Hiện tại, công việc chính của ông là vẽ hoa văn và đắp chỉ rồng, phượng cho các đình chùa, miếu thờ, nhà thờ tổ... Cái tài thiên bẩm cùng sở thích khác người của mình nên ông được nhiều người biết đến.

Nhiều người cho ông Huyền là gàn, là dở, ông mặc kệ người ta nói, với ông bộ móng tay là một tài sản vô giá. Đó là thú vui, niềm đam mê của mình. Ông Huyền còn khẳng định: “Tôi sẽ không bao giờ cắt móng tay, tôi sẽ nuôi nó đến khi tắt hơi thở cuối cùng, nó đã gắn bó với tôi mấy chục năm qua và nó cũng là tải sản quý giá của tôi”.

Phan Thiên - Đức Văn