1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hoa quả “tươi”: Bảo quản... vô thời hạn

(Dân trí) - Một người chuyên buôn hoa quả ở Vĩnh Phúc tiết lộ, chỉ cần vài chục nghìn đồng là mua được một loại hóa chất màu trắng, không nhãn mác của Trung Quốc, hòa vào nước rồi nhúng hoa quả vào, để hàng tháng không thối! Có nó, nhiều hoa quả trái mùa lên ngôi!

Hoa quả được bảo quản từ hè đến Tết

Không giống như nhiều năm trước đây, hoa quả bây giờ lúc nào cũng rất phong phú. Thị trường hoa quả không chỉ có những mặt hàng ở trong nước mà còn có những loại nhập từ nước ngoài (trong đó chủ yếu từ Trung Quốc), và không chỉ mùa nào thức nấy, nhiều loại hoa quả trái mùa lúc nào cũng được bày bán.

Ngoài công nghệ trồng cây trái mùa, công nghệ bảo quản an toàn cho người sử dụng, người trồng và kinh doanh còn dùng một biện pháp khác là bảo quản hoa quả bằng hóa chất độc hại. Với phương thức này, hoa quả có thể bảo quản "tươi" lâu đến... giật mình. Hoa quả để từ giữa hè, Tết vẫn có thể đem ra bán.

Chính vì khả năng bảo quản lâu, lại rẻ tiền, dễ làm nên cách bảo quản hoa quả này được rất nhiều người kinh doanh áp dụng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khẳng định chất bảo quản này có thể gây ung thư cho người sử dụng.

Nguy hiểm hơn là những loại trái cây được "tắm" bằng thuốc trừ sâu. Để hoa quả béo mập và không bị sâu hại, nhiều người trồng đã phun quá nhiều thuốc trừ sâu, đến mức khi trái đã được hái xuống, để 3-4 tháng trời mà vỏ bên ngoài vẫn sáng bóng, tươi mới, dù bên trong đã ủng từ lâu.

Thậm chí thuốc trừ sâu còn đọng trên quả như một lớp phấn, mà người bán hàng luôn quảng cáo rằng đó là lớp phấn của quả mới hái. Vỏ hoa quả dầy thuốc trừ sâu, hằng ngày lại được người bán phun nước tưới, vô tình "giúp" thuốc ngấm sâu vào bên trong quả.

Có một cách khác nữa để bảo quản hoa quả tươi thật lâu. Đó là phun chất diệt cỏ vào, một loại hoá chất cực mạnh gây nguy hiểm cho con người.

Những người bán dưa hấu còn bảo quản bằng cách bơm trực tiếp hóa chất vào trong quả dưa. Với trái chuối, để giữ cho chuối chín đều và không bị nẫu, người ta ngâm chuối vào một loại dung dịch không kém phần độc hại. Quả bưởi cũng được bảo quản bằng thuốc trừ sâu cho vỏ bóng, đẹp, quả không bị héo cho dù đã để hàng tháng trời.

Nguy hiểm nhưng khó nhận biết

Trái cây được bảo quản bằng hóa chất độc hại thường khó nhận biết bằng những giác quan thông thường.

Lời khuyên của các nhà chuyên môn: Nếu là trái cây được bảo quản theo các phương pháp an toàn thì được đóng gói cẩn thận, có ghi tên công ty, hãng gia công, chế biến trên bao gói bán lẻ và trên thùng.

Một số loại trái cây xanh nhập khẩu có thể là loại biến đổi gen hoặc loại cần ủ chín trước khi đem bán. Các loại này có thể an toàn hơn cho người sử dụng. Còn các loại hoa quả trái mùa như cam, quýt, bưởi... được bảo quản bằng hóa chất độc hại thường có vỏ khô, cứng, bóp sâu một chút lại thấy nhũn hoặc ngược lại, khi bóc vỏ thì ruột đã khô.

Trên thực tế, muốn đối phó với những loại hóa chất nguy hiểm, độc hại trong hoa quả, biện pháp rửa bằng nước sạch, ngâm với nước muối,... gần như không có tác dụng, nhất là khi hóa chất đã ngấm sâu vào trong quả.

Biện pháp an toàn dễ thực hiện nhất là không nên mua những loại hoa quả trái mùa. Dịp Tết đang đến gần, cũng là thời điểm nhiều loại hoa quả trái mùa được tung ra thị trường. Người tiêu dùng nên thận trọng khi lựa chọn hoa quả, để có được một ngày Tết mạnh khoẻ, an toàn cho cả gia đình.

Lan Hương