Hòa giải bất thành vụ kiện ĐH Kinh tế quốc dân đòi bồi thường 36 tỷ đồng?
(Dân trí) - Việc hòa giải vụ ông Dương Thế Hảo (66 tuổi, Hà Nội) khởi kiện yêu cầu Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường trên 36 tỷ đồng do "giam" bằng cử nhân trên 30 năm có nguy cơ đổ bể, bất thành.
Ngày 3/1, ông Dương Thế Hảo (trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, buổi hòa giải vụ ông khởi kiện Đại học Kinh tế quốc dân đã được TAND quận Hai Bà Trưng tổ chức.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường không có mặt, mà chỉ cử luật sư đại diện tới dự nên ông Hảo bày tỏ quan điểm không đồng ý.
"Tôi đã yêu cầu phải có mặt lãnh đạo nhà trường nhưng lại không ai tới. Nó cho thấy họ không có thiện chí để hòa giải. Đến nay tôi chưa nhận được thêm thông tin chính thức nào từ tòa án về việc hòa giải tiếp hay không", ông Hảo cho hay.
Phóng viên Dân trí liên hệ với đại diện TAND quận Hai Bà Trưng để hỏi thêm thông tin về sự việc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, TAND quận Hai Bà Trưng thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải vụ án ông Dương Thế Hảo khởi kiện, yêu cầu Đại học Kinh tế quốc dân phải bồi thường trên 36 tỷ đồng.
Tòa cho rằng việc mở phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải là cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
Thông báo của tòa được gửi tới ông Dương Thế Hảo và Đại học Kinh tế quốc dân - người đại diện pháp luật là ông Phạm Hồng Chương - hiệu trưởng.
Ông Hảo vốn là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp K26-27 hệ chính quy của Đại học Kinh tế quốc dân nhưng không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng.
Từ đây, cuộc sống của ông gặp nhiều trắc trở, lận đận. Do không có hộ khẩu, hồ sơ cá nhân nên ông Hảo không thể đăng ký kết hôn, con ruột phải đưa về quê vợ ở Thái Bình để đăng ký khai sinh. Sau đó, vì khoảng cách địa lý, vợ chồng ông đã ly hôn.
Không nhớ chính xác số lần tới trường đòi bằng cử nhân vì "quá nhiều", ông Hảo khẳng định việc bị giữ bằng cử nhân 30 năm và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng khác đã gây ra hàng loạt hậu quả, thiệt hại cho cá nhân ông và gia đình.
Số tiền trên 36 tỷ đồng được nêu trong đơn khởi kiện, theo ông Hảo, được tổng hợp từ thiệt hại do mất thu nhập từ lương; tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự; mất cơ hội học tập; không được hưởng thụ các chính sách, ưu đãi cho cựu quân nhân; chi phí đòi các hồ sơ giấy tờ, thuê luật sư, hàn gắn hôn nhân, tổn thất hạnh phúc gia đình…
Theo quy định của luật, trường hợp không thể hòa giải, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử công khai.