1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thừa Thiên Huế:

Hoa bệnh, lúa ngập, nhà nông khóc ròng

(Dân trí) - Thời tiết mưa lạnh kéo dài, độ ẩm cao suốt mấy tháng nay khiến người dân trồng hoa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nông dân cũng đang nát lòng vì lúa bị ngập úng trong nước.

Làng hoa ăn tết buồn

Thôn Tiên Nộn (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) vào một chiều mưa lâm râm, những cơn gió mang theo hơi lạnh khiến không gian thêm phần ảm đạm. Xã Phú Mậu là một trong những địa bàn có số lượng người trồng hoa lớn nhất nhì tỉnh Thừa Thiên Huế, với 2ha đất dành trồng hoa chuyên nghiệp và 10,5ha đất trồng hoa rải rác ở hầu khắp các nhà dân. Tổng lợi nhuận hàng năm ước tính gần 140 triệu đồng. Năm nay do thời tiết mưa rét kéo dài khiến cả làng hoa thất thu. 

Thăm vườn hoa của gia đình anh Nguyễn Đình Thanh với hơn 6.000 gốc hoa quý đủ loại như cúc phalê, mai vàng, đỏ chướng… Anh Thanh đang pha thuốc phun trừ bệnh trên 3 luống hoa. Anh cho biết: “Hoa năm nay chán lắm, anh coi cây nào cũng yếu ớt, tiu nghỉu thế kia, lại còn bệnh tật, hết thối rễ lại đốm nâu, trừ mãi mà không được. Mưa lạnh nên hoa kém phát triển”.

Hoa bệnh, lúa ngập, nhà nông khóc ròng  - 1

Những vườn hoa nở rộ trước tết. (Ảnh: Bá Mạnh)
Thời điểm này năm ngoái, vườn hoa nhà anh đã vào giai đoạn “bừng lộc”, thân cây phải mập mạp, cứng cáp lắm, nụ hoa cũng đã bắt đầu chơm chớm. Vậy mà năm nay hàng ngàn gốc hoa nằm trơ chống chọi với bệnh tật. “Bán ra thị trường may ra thì đủ vốn, chưa kể tiền phân bón và công chăm sóc ròng rã cả mấy tháng trời… Kể ra thì lỗ”.

Hơn 1 mẫu hoa của các hộ dân khác trong thôn cũng chung tình trạng. Có luống đã nở bung từ lâu, có luống lại mới bắt đầu mọc rễ. Cây hoa nào cũng phải mang bên mình những chiếc que chống đỡ với thời tiết mưa lạnh, gió mùa.

Trong khu vườn rộng của gia đình chị Dương Thanh có hơn 5.000 gốc hoa, chủ yếu phục vụ hoa tết, nhưng riêng 2 luống hoa cúc vàng và đỏ chướng đã nở từ bao giờ, đành phải bán vào dịp rằm tháng 12. Chị Thanh buồn bã: “Cả làng hoa như thế không riêng gì gia đình tui, buồn lắm chú à, hoa thế này thì làm răng bán ra thị trường cho có giá”.

Với hơn 3 triệu đồng tiền vốn bỏ ra đầu tư, chị Thanh lo lắng không biết có hoàn vốn nổi không. Hơn 8.000 gốc hoa ở ngoài đồng của chị Thanh lại đang trong tình trạng heo hắt chống đỡ với thời tiết.

Hàng trăm hộ dân chuyên trồng hoa ở xã Phú Mậu rất lo lắng vì thời tiết xấu kéo dài, những luống hoa trồng bõ công chăm cả mấy tháng ròng đang chết dần, chết mòn, không phát triển được vì giá lạnh, bệnh tật. “Có phun thuốc nữa cũng thế thôi vớt vát được gì đâu nhưng vẫn cứ hy vọng chú à!” - anh Thanh than thở.

Trong khi đó, nhiều hộ dân đã phải bán tháo, bán chạy cả luống hoa trước tết với giá chỉ bằng phân nửa so với trước. Nhiều hộ dốc tiền ra mua thuốc cứu hoa nhưng không có kết quả.

Hoa bệnh, lúa ngập, nhà nông khóc ròng  - 2

Đổ tiền vào cứu hoa. (Ảnh: Bá Mạnh)
Tới thăm khu vườn hoa chuyên nghiệp của anh Nguyễn Duẩn, một trong những hộ nông dân xây dựng nên mô hình trại hoa giống đầu tiên của cả vùng, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn bao trùm lên cả khu vườn rộng gần 700m2. Anh Duẩn âu sầu: “Nhiều cây hoa gieo tôi phải nhổ bỏ vì bệnh đốm nâu, sâu vẽ mùa. Không có hoa tết bán nên buồn lắm”.

Gia đình anh Duẩn đã đầu tư vào vườn hoa này hơn 70 triệu đồng với mong muốn thu về trong dịp tết. Giờ tiền vốn cũng không mong lấy lại được. Ông  Phan Đình Cường - Chủ tịch hội nông dân xã Phú Mậu nói: “Năm nay làng hoa mất mùa, nhiều hộ dân sẽ đón tết trong không khí buồn!”.

Nông dân âu sầu vì lúa

Cơn mưa dầm kéo dài khoảng 10 ngày đã gây ngập úng trên diện rộng, khiến 4.660 ha lúa gieo sạ vụ đông - xuân trên toàn tỉnh TT-Huế chìm trong nước, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Theo thống kê của UBND tỉnh TT-Huế, tính đến ngày 4/1, toàn tỉnh có 4.660 ha lúa gieo sạ ngập úng, trong đó các huyện thấp như Quảng Điền (2.016 ha) và Phú Vang (1.557 ha) thiệt hại nặng nề nhất. Một số vùng trũng ở các huyện Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền… cũng mất trắng từ hàng chục đến hàng trăm ha lúa sạ do mưa kéo dài.
 
Hoa bệnh, lúa ngập, nhà nông khóc ròng  - 3

Dù đã dùng bao cát để kè bờ, các chân ruộng trũng vẫn không thoát cảnh ngập úng
(Ảnh: H.K).

Chỉ tính riêng xã Quảng Thành (Quảng Điền), nơi có tới 95% số hộ là thuần nông trồng lúa, khoảng 500 ha lúa đã mất trắng chỉ sau 1 đêm nước thượng nguồn đổ về. Ông Quách Nhơn - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngày đầu năm mới, hàng trăm nôn dân cùng chính quyền cùng nhau dùng bao tải đắp đê ngăn lũ, nhưng chỉ sau 1 đêm thì hàng trăm chân ruộng mới sạ đã ngập sâu trong nước.

Không chỉ xã Quảng Thành, hầu khắp các xã thuộc huyện Quảng Điền vừa “bình phục” sau mùa lũ đều phải gánh đợt ngập úng, coi như “vứt không” hàng nghìn ha lúa giống, phân bón, công chăm sóc…. Bà Nguyễn Thị Dư (Mỹ Xá - Quảng An - Quảng Điền) ngao ngán: “Nước dâng nhanh quá, không chân ruộng nào thoát ngập. Tết này chắc bà con tụi tui chẳng tâm trí đâu mà ăn Tết nữa”.

Theo thống kê ước tính, thiệt hại trong đợt ngập úng toàn diện này lên tới vài chục tỷ đồng, một con số không nhỏ với người dân vùng trũng vốn đã điêu đứng qua mùa lũ cuối năm 2008.
 
Hoa bệnh, lúa ngập, nhà nông khóc ròng  - 4

Ngập úng trên diện rộng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng
(Ảnh: H.K).

Ngày 5/1, mưa tạm ngớt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi các diện tích gieo cấy lúa dài ngày bị hư hỏng sang giống lúa ngắn ngày, gieo mạ cấy trên các diện tích ít ngập và gia cố, khắc phục đê bao để chống úng.

Đồng thời, để “cứu thua” cho người dân, các huyện cần nhanh chóng rà soát đánh giá thiệt hại, thống kê lượng giống bổ sung để các đơn vị cung ứng có thể đáp ứng cho nhu cầu của người dân ngay sau khi có thể gieo cấy lại.

Bá Mạnh - Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm