1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hoa báo Xuân

(Dân trí) - Có thể nhiều người chưa biết, rằng báo Xuân là một nét đặc biệt của nền báo chí Việt Nam. Chỉ duy nhất Việt Nam làm báo xuân. Ngay cả những nước có nền báo chí phát triển, cũng không nước nào có báo xuân như chúng ta.

Thường thì trong số báo xuân hàng năm, các toà soạn báo luôn có những bài viết mang phong cách nhẹ nhàng, những chuyện “đấm đá” thời sự hàng ngày được gạt qua một bên, thay vào đó là những bài viết sắc sảo của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, những trang phóng sự ghi chép, bút ký, văn nghệ gồm thơ, truyện ngắn, câu đối xuân... đầy hấp dẫn.

 

Báo Xuân: Ấn tượng từ bìa…

 

Ngày cuối năm, chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, tôi lang thang lên Hàng Trống - nơi tập trung nhiều quầy bán báo lớn. Các tờ báo xuân đều hội tụ cả về đây, mỗi tờ mỗi vẻ. Hầu như trang bìa của tờ nào cũng rất ấn tượng, tất nhiên, có cả ấn tượng tốt lẫn ấn tượng xấu. Báo xuân khiến cho các sạp báo ở đây mang dung mạo giống như một một vườn hoa đang độ nở rộ.

 

Anh Phán - một người bán báo thâm niên ở đây - giờ đã chuyển sang một nghề khác. Thế vào vị trí nơi anh vẫn ngồi là một cô bé. Cô bé không biết nhiều về báo chí, nhưng cũng có nhận xét rằng báo đẹp. Báo xuân luôn là như thế, rất đẹp. Buổi chiều, sạp báo anh Phán (tôi vẫn quen gọi như thế mặc dù anh không còn bán) tấp nập người vào mua. Khách mua, ai cũng chăm chú lật giở từng trang báo xuân.

 

Tính đến thời điểm này, sạp báo ở đây đã có rất nhiều mặt báo: Thể thao Việt Nam, Văn nghệ Trẻ, Công an TPHCM, Phụ nữ Thủ Đô, Sài Gòn tiếp thị, An ninh Thế giới, Tạp chí Truyền hình, Sức khoẻ và đời sống, Khoa học và đời sống, Pháp luật TPHCM...

 

Giống như tôi, anh Nguyễn Trường Giang - nhà ở đường Nguyễn Ngọc Nại - cũng là một khách hàng thân thuộc ở đây. Anh Giang mua liền lúc tới 3 tờ báo: Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Lý do anh chọn ba tờ này, đơn giản vì như anh nói: “Đó là các “đại gia”, đã có thương hiệu, bài vở của họ được đầu tư tốt, có nhiều cộng tác viên là các chuyên gia”.

 

Các sạp báo khác ở phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Giảng Võ, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong... sạp nào cũng bày bán đủ các loại báo xuân. Như thường niên, ông Nguyễn Văn Thung bán báo nhiều năm ở cổng 18 Lê Hồng Phong (quán bia) lại xếp báo ngay ngắn vào những sợi dây thép mà ông chằng buộc ở ngoài hàng rào, rồi “giữ phần” cho mấy ông bạn cựu chiến binh vài tờ Quân đội Nhân dân.

 

Những kỷ lục vui

 

Năm nào Hà Nội cũng tổ chức hội báo xuân, rất vui vẻ. Chẳng biết trong những hội báo xuân như thế có kỷ lục nào được lập ra hay không. Ở các sạp báo vỉa hè thì người bán luôn để ý các kỷ lục.

 

Năm nay, tờ có nhiều quảng cáo nhất là An ninh Thủ đô, tờ trình bày đẹp nhất - theo đánh giá của nhiều độc giả - là Lao Động. Tờ đắt nhất là Doanh nhân Sài Gòn (22.600đ/tờ), tờ rẻ nhất là Tiền phong chủ nhật (xuân). Tờ này các sạp báo chỉ bán với mức giá 5.500đ/tờ nhưng người mua không nhiều.

 

Được hỏi về tờ nào ế nhất, người bán báo hào hứng: Năm nay, tờ bán ế nhất là CA TPHCM.

 

So sánh giữa báo miền Bắc với miền Nam, anh Đức - một chủ sạp báo ở Hàng Trống - cho hay: “Sài Gòn chỉ mạnh các tờ báo ngày mà độc giả đã quen thuộc như Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Các tờ khác chỉ có sức bán trung bình”.

 

Người dân thì luôn có những cảm nhận khác nhau về báo Xuân (nhiều người dùng danh từ báo Tết). Những người trong nghề luôn xem xét cách trình bày, nội dung bài vở của một tờ báo kỹ lưỡng rồi mới đưa ra đánh giá. Chẳng hạn như nhà báo Mạnh Chương ở báo điện tử Nhân dân, năm nay ông thích nhất báo Văn nghệ Trẻ vì như ông nói, “tờ báo này cả nội dung lẫn hình thức đều tốt”.

 

Trên nhiều đường phố, những cánh hoa đào nở sớm đã xuất hiện. Cuối năm, dường như ai cũng trở nên hối hả, tất bật hơn. Có hoa đào là có tết. Tết đã thấp thoáng ở đâu đó, rất gần. Với một bộ phận người dân Việt Nam, báo Xuân là một nét không thể thiếu trong mỗi dịp tết cổ truyền như thế này.

 

Bảo Trung