Bộ trưởng Xây dựng:
Hỗ trợ người nghèo mua nhà, 30.000 tỷ vẫn ít nếu đủ nguồn cung
(Dân trí) - “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cần giải pháp tổng thể, đồng bộ. Còn gói 30.000 tỷ là sự hỗ trợ cho người nghèo để mua nhà ở chứ không phải để trực tiếp cứu thị trường” - Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao đổi bên hành lang QH ngày 19/11.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay mới chỉ có 341 tỉ đồng (1,1%) trong gói 30.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội được giải ngân. Tốc độ giải ngân, hiệu quả của gói tín dụng này đang nhận nhiều phản ứng nghi ngại vì quá chậm?
Như Bộ trưởng phát biểu, về cầu, cả nước hiện cần hơn 1 triệu căn hộ nhưng thực tế hàng trăm ngàn căn hộ tại các khu đô thị, các dự án bất động sản (BĐS) vẫn đang ế đọng. Như vậy, đây có phải là hướng để giải cứu lượng hàng tồn đọng cho DN trong ngành?
Cái cần là nguồn nhà xã hội đang rất ít. Chiến lược nhà ở quốc gia mới triển khai gần đây mà để thực hiện được cần kế hoạch dài hạn, ít nhất tầm nhìn phải 10 năm, thực hiện khoảng 20 năm và lâu hơn.
Trên thế giới, các nước phát triển, dù thu nhập bình quân đầu người hơn 50.000USD cũng vẫn phải làm nhà ở xã hội. Việt Nam mới chỉ đạt mốc hơn 1.000 USD càng phải cố gắng rất nhiều. Đây là quyết tâm của Chính phủ, hỗ trợ để người dân được cải thiện nhà ở, đối tượng hướng đến gồm cả cán bộ công chức viên chức trong hệ thống chính trị, văn nghệ sỹ trí thức khó khăn về nhà ở, những người dân lao động ở đô thị, công nhân khu công nghiệp… đều cần phải quan tâm.
Muốn làm được nhiều nhà ở xã hội thì phải có nhiều dự án nhà ở xã hội. Cái này vướng vào vấn đề đất đai, đầu tư nên cần phải có thời gian để một dự án đầu tư triển khai thực hiện được.
Còn tôi khẳng định, đây là gói hỗ trợ trực tiếp người mua nhà, không phải nhà nước dùng tiền cứu doanh nghiệp bất động sản.
DN đầu tư làm nhà ở xã hội được miễn thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN, không thu tiền sử dụng đất… Vậy nên những người mua nhà xã hội ở TPHCM, Hà Nội (những nơi đất có giá trị cao) có thể được mua nhà giảm tới 30 – 40% giá trị. |
Tháo gỡ khó khăn cho BĐS cần giải pháp tổng thể, đồng bộ. Còn gói 30.000 tỷ là thể hiện sự quan tâm của nhà nước, hỗ trợ cho người nghèo chứ không phải để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Ờ các nước giàu, không gặp khó khăn về BĐS họ vẫn có những gói tín dụng lãi suất rất thấp cho người dân. Gói tín dụng này không phải mang ra để cứu BĐS. Muốn BĐS thoát khỏi khó khăn thì trách nhiệm của nhà nước, của các DN đều có, phải vào cuộc đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không có quy hoạch, không theo kế hoạch, tự phát phong trào đến việc rà soát, phân loại dự án xem cái nào dừng, cái nào tiếp tục…
Nói tóm lại gói tín dụng 30.000 tỷ là hỗ trợ những người khó khăn, không có điều kiện tiếp cận nhà ở thị trường, là hỗ trợ lâu dài, không phải chỉ cho hôm nay. Kinh tế càng phát triển nhà nước sẽ càng có nhiều điều kiện hỗ trợ người dân hơn và khi đó lãi suất cho vay có khi còn thấp nữa.
Vậy Bộ Xây dựng có dự định can thiệp gì với phía ngân hàng khi gói tín dụng này chậm được giải ngân, thưa Bộ trưởng?
Chậm giải ngân là do trách nhiệm của ngân hàng, trách nhiệm của người xác nhận các điều kiện cho người đăng ký mua nhà ở xã hội tại địa phương, trách nhiệm của các cơ quan làm chính sách, hướng dẫn, làm thế nào để thủ tục đơn giản, dễ nhất, người dân có thể làm được nhanh nhất. Việc đó thì phải vào cuộc mà làm thôi. Cái gì khởi đầu cũng sẽ có khó khăn.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về “phong trào” làm nhà ở xã hội tưng bừng khắp nơi có thể tạo ra những loại nhà không đủ tiêu chuẩn cho đô thị, thành gánh nặng phải xử lý nay mai như mô hình nhà lắp ghép, nhà tập thể cũ hiện nay?
Nhà ở xã hội giờ khác hoàn toàn với những loại nhà chúng ta nghĩ đến trước đây. Đây là loại nhà ở thị trường phi hàng hóa, tức có cung, có cầu, có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước. Có cạnh tranh nghĩa là người dân tiếp cận mua nhà được mua với giá thấp hơn giá cả thị trường nhưng đơn vị thầu xây dựng nếu làm kém sẽ không bán được hàng, dự án sẽ thất bại. Vậy nên các nhà thầu cũng phải làm cho cạnh tranh. Cái đó khác với quan điểm về nhà ở xã hội như ở một số nơi để gọi tên loại nhà chất lượng rất kém.
Đến khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) bây giờ, không thể phân biệt được đâu là nhà ở thương mại hay xã hội. Bản chất nhà này cũng xây như nhà thương mại nhưng gọi là nhà ở xã hội để có chính sách hỗ trợ của nhà nước cho phù hợp.
Chính sách đầu tư phát triển nhà ở xã hội đang nhận được nhiều sự quan tâm của DN, nhiều chủ dự án nhà ở thương mại muốn chuyển đổi thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều DN than khó khăn, vướng mắc về thủ tục. Được biết, Bộ Xây dựng có hướng lập các đoàn công tác, kiểm tra để tháo gỡ những điểm vướng mắc này?
Bộ Xây dựng thường xuyên làm việc đó và đang làm, tiếp tục làm để vừa tiếp tục động viên các DN vừa cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc, sao cho các dự án chuyển từ thương mại sang nhà ở xã hội một cách nhanh nhất. Điểm quan trọng nhất hiện nay khi tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là phải tháo gỡ sự lệch pha giữa cung – cầu. Muốn khắc phục lệch pha này phải hướng BĐS vào chiến lược nhà ở vì mục tiêu cải thiện nhà ở cho người dân, không phải chỉ cho người giàu mà cả người nghèo, người khó khăn. Mọi người phải được tạo điều kiện để cải thiện nhà ở mà đối tượng quan tâm nhất là người nghèo.
Tới đây, trong thời gian gần nhất có thể, Chính phủ sẽ có thêm một nghị định về nhà ở xã hội. Hiện Bộ Xây dựng đã trình dự thảo nghị định này, dự kiến những quy định mới sẽ được ban hành rất sớm để tạo ra sự thông thoáng cho thị trường.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
P.Thảo