Thanh Hóa:

Hỗ trợ gạo cho gia đình hộ nghèo có công bảo vệ rừng

Bình Minh

(Dân trí) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định hỗ trợ hơn 1.000 tấn gạo tới người dân các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Quan Sơn, Như Xuân có công chăm sóc, bảo vệ rừng.

Ngày 24/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định hỗ trợ hơn 1.000 tấn gạo tới người dân có công chăm sóc, bảo vệ rừng. Cụ thể, hỗ trợ các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Như Xuân với diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng là 14.660,54 ha, số gạo thực hiện hỗ trợ đợt 1 năm 2021 (tháng 1 đến tháng 3) là 752.382 kg.

Trong đó, huyện Quan Sơn được hỗ trợ 145.365 kg, diện tích chăm sóc, bảo vệ rừng là 4.044,08 ha; huyện Quan Hóa được hỗ trợ 239.065 kg, diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng là 6.580,46 ha; huyện Lang Chánh được hỗ trợ 50.453 kg, diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng là 739,5 ha; huyện Như Xuân được hỗ trợ 317.499 kg, diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng là 3.296,5 ha.

Hỗ trợ gạo cho gia đình hộ nghèo có công bảo vệ rừng - 1

Người dân các huyện miền núi Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Như Xuân có công chăm sóc, bảo vệ rừng sẽ được nhận gạo hỗ trợ.

Riêng huyện Mường Lát có tổng số hộ được hỗ trợ là 2.597 hộ với 12.252 nhân khẩu, diện tích bảo vệ, nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên được hỗ trợ là 20.026 ha và số gạo thực hiện hỗ trợ đợt 1 năm 2021 (từ tháng 1 đến 2) là 367.560 kg.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm vận chuyển, giao gạo hỗ trợ cho các đơn vị thụ hưởng theo quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ Quốc gia, đảm bảo công tác xuất cấp, giao nhận hàng cứu trợ, viện trợ và theo đúng văn bản hướng dẫn của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cùng các quy định hiện hành.

Thời gian giao, nhận gạo của các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Lang Chánh đến ngày 15/4; riêng huyện Mường Lát đến ngày 10/4.

Bên cạnh đó, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc, UBND các huyện tổ chức kiểm tra việc hỗ trợ gạo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất đúng đối tượng, đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước, thường xuyên theo dõi và báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND tỉnh.