1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cho dân toàn huyện... đi họp

(Dân trí) - Mỗi lần đi họp để lấy ý kiến về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị xã mới những hộ dân ở các xã Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Phương của huyện Kỳ Anh đều được nhận 50 nghìn đồng.

Dân dự họp đông bất thường vì... có tiền

Thời gian gần đây, dư luận tại Hà Tĩnh đang xôn xao về câu chuyện khá lạ, liên quan đến chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã mới và thành lập các phường thuộc thị xã mới, trong 3 ngày (20, 21, 22/1), huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tổ chức lấy ý kiến đội ngũ cán bộ cốt cán cơ sở và nhân dân trên địa bàn. Điều khác lạ so với nhiều cuộc họp trước đây, các hội trường không còn thưa thớt người, mà các dãy ghế bên trong không còn một chỗ trống, thậm chí nhiều nơi người dân dự họp phải ngồi ra cả hành lang do thiếu chỗ. 

Ông Nguyễn Văn Nam (xã Kỳ Phong) cho biết: “Cán bộ xóm thông báo sắp tới có cuộc họp để lấy ý kiến điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị xã mới. Ai đi họp sẽ được nhận tiền nên ai cũng thấy lạ và người dân ai cũng kéo nhau đi họp. Người dân ngồi chật hội quán của thôn. Sau khi họp xong chúng tôi được nhận 50.000 đồng”.

Trong các cuộc họp, huyện Kỳ Anh luôn quán triệt nội dung về việc chế độ cho người dân đi họp
Trong các cuộc họp, huyện Kỳ Anh luôn quán triệt nội dung về việc "chế độ" cho người dân đi họp

Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng thôn Hà Phong (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh): “Chúng tôi nhận được thông báo của xã nên xuống truyền đạt lại cho người dân. Khi biết đi họp có tiền thì dân rất phấn khởi và tới đông đủ. Riêng thôn tôi đã phải trích 14 triệu đồng để phát trước cho dân vì xã chưa rót tiền xuống”.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc, cho biết sau khi cán bộ huyện, tỉnh về quán triệt chủ trương tách huyện và thành lập thị xã, ngày 21/1 xã Kỳ Bắc đã họp tất cả các thôn để lấy ý kiến của người dân. "Xã chúng tôi đã phát hơn 70 triệu đồng cho dân và đây là số tiền mà xã và các thôn đang tự bỏ ra” - ông Thọ cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, đây mới chỉ là chủ trương miệng của huyện mà chưa có bất kỳ văn bản nào. “Đây là nội dung được Chủ tich huyện quán triệt trong các cuộc họp chứ cũng chưa có văn bản chính thức nào. Và hiện tại các thôn, xã đang tự bỏ tiền để chi trả cho người dân chứ huyện cũng chưa rót tiền về”, ông Thọ cho nói.

"Chén nước cho dân" ngốn 2,5 tỷ đồng ngân sách

Để tìm hiểu thêm về sự việc này, PV đã có buổi làm việc với một số cán bộ huyện Kỳ Anh. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Tài chính, Kế hoạch huyện này thống kê, toàn huyện có gần 53.000 hộ gia đình, nên đợt này huyện sẽ phải chi hơn 2,5 tỷ đồng chi phí để hỗ trợ cho người dân đi họp bàn về "chuyện đại sự" tách huyện. Việc chi tiền này đã được thường vụ huyện thông qua, khi triển khai xong huyện sẽ tiếp tục trình xin tỉnh duyệt kinh phí này. 

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh ông Lê Trọng Bính cũng thừa nhận, việc người dân đi họp được nhận tiền là có. Và theo ông Bí thư huyện cho rằng, đây chỉ là chén nước cho dân mà thôi. “Đây gọi là “tiền nước”, được trích trong khoản kinh phí phục vụ cho điều chỉnh địa giới hành chính mà tỉnh đã duyệt (khoảng 20 tỷ đồng-PV)” ông Bính nói.

Ông Bính cũng xác nhận, sau khi họp HĐND các xã, tới huyện thì sẽ trình hồ sơ lên cho tỉnh. “Nếu tỉnh không cho (2,5 tỷ đồng) thì huyện sẽ bỏ ra. Việc dân đi họp là nghĩa vụ còn chuyện nhà nước hỗ trợ cho dân là tốt, không lãng phí. Cán bộ nhiều lúc đi họp còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền uống nữa là”, ông Bính nói.

Việc "lấp kín" các hội trường vốn thưa thớt người dân đến dự, bàn thảo bất cứ quyết sách nào là một điều hết sức cần thiết và nó cũng thể hiện trách nhiệm, sự lắng nghe của người dân. Có đông người đến dự thì sự vụ sẽ được bàn thảo rộng hơn, trách nhiệm hơn. Tuy nhiên nhiều người lo ngại, việc huyện Kỳ Anh hỗ trợ tiền cho người sẽ lợi bất cấp hại. Nay mai liệu không hỗ trợ nữa, người dân sẽ còn đi họp hay không? Và nếu địa phương nào cũng như Kỳ Anh thì lấy đâu ra ngân sách để hỗ trợ?   

Xuân Sinh – Tiến Hiệp