Hồ sơ đủ, đăng ký hộ khẩu chỉ mất 5 ngày
Cơ quan giải quyết đăng ký hộ khẩu là Công an quận, huyện với thời gian tổng cộng tối đa 8 ngày, nếu cộng cả thời hạn xác minh là không quá 14 ngày. Bộ Công an còn quy định nếu hồ sơ đã rõ ràng, đầy đủ thì thủ tục giải quyết rút gọn trong 5 ngày.
Để triển khai Luật Cư trú (có hiệu lực từ 1/7/2007), ngày 25/6 Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị tập huấn các nội dung cơ bản và những vấn đề liên quan việc triển khai thi hành Luật cho các đơn vị thuộc Bộ, Công an các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra. Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có nhiều điểm mới đáng chú ý. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu này thống nhất trên toàn quốc.
Hồ sơ đăng ký thường trú gồm những loại giấy tờ gì?
Dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an về thi hành Luật Cư trú quy định hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm các loại giấy tờ sau: Phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy chuyển hộ khẩu; giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Riêng về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các loại giấy tờ: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy tờ về quyền sử dụng đất ở; giấy phép xây dựng; hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà...
Công dân chỉ cần một trong các loại giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp nói trên, không bắt buộc phải có tất cả các loại giấy tờ.
Riêng về đăng ký tạm trú, nếu giấy tờ là hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì không cần phải có công chứng hoặc xác nhận của UBND. Nếu không có các giấy tờ nói trên thì chỉ cần văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng.
Giải quyết đăng ký hộ khẩu có cần chữ ký Giám đốc Công an tỉnh?
Thời gian vừa qua, một số công dân kiến nghị việc họ phải đợi quá lâu do giấy tờ chuyển lòng vòng, người có trách nhiệm giải quyết đăng ký hộ khẩu cho công dân thì trả lời còn phải chờ chữ ký của Giám đốc Công an tỉnh.
Để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, ngâm hồ sơ của dân, sách nhiễu, tiêu cực, Bộ Công an ban hành quy trình đăng ký thường trú, tạm trú và tiếp nhận thông báo lưu trú. Theo đó, trong thời hạn 2 ngày, người tiếp nhận hồ sơ phải xem xét, nếu hồ sơ hợp lệ thì đề xuất chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC và trong thời hạn 3 ngày, chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC phải trình lãnh đạo Công an huyện, quận. Trong thời hạn 3 ngày, nếu hồ sơ, thủ tục đầy đủ thì lãnh đạo Công an quận, huyện phải duyệt đăng ký thường trú.
Nếu phải xác minh thêm thì thời hạn xác minh không quá 3 ngày, trường hợp phải xác minh nhiều nơi thì tổng thời gian không quá 6 ngày. Như vậy, thẩm quyền giải quyết đăng ký hộ khẩu là Công an quận, huyện, thời gian giải quyết tổng cộng tối đa 8 ngày, nếu cộng cả thời hạn xác minh là không quá 14 ngày.
Việc một số nơi đưa ra quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố giải quyết là trái quy định, để kéo dài quá thời gian nói trên là vi phạm.
Các văn bản cũng quy định, trong trường hợp công dân đăng ký thường trú nhưng không đủ điều kiện hoặc không đủ giấy tờ thì cán bộ giải quyết phải giải thích cụ thể và nêu rõ lý do bằng văn bản chứ không phải trả lời qua loa bằng miệng. Đây là quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực.
Việc giải quyết hồ sơ đăng ký thường trú không cần công chứng, chứng thực mà công dân chỉ cần phôtô thêm 1 bản để cán bộ có thẩm quyền đối chiếu với bản chính và nhận bản phôtô đó. Trong quy trình đăng ký thường trú theo thủ tục rút gọn, Bộ Công an quy định nếu hồ sơ đã rõ ràng, đầy đủ, không vướng mắc, xác minh thì thủ tục giải quyết rút gọn trong 5 ngày.
Vì sao trường hợp ở nhà thuê, mượn, khi đăng ký hộ khẩu phải được sự đồng ý của chủ hộ bằng văn bản?
Đối với quy định về điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố thuộc Trung ương, Luật quy định trong trường hợp ở thuê, ở nhờ phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.
Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an giải thích, nhiều trường hợp cá nhân cho người khác thuê nhà, cho ở nhờ thì sau đó người thuê, người ở nhờ đã đăng ký hộ khẩu có phát sinh tranh chấp dân sự với chủ nhà, đòi được chia nhà, thậm chí có trường hợp còn đòi nhà của chủ nhà, gây khó khăn cho chủ.
Do đó, để khắc phục những tranh chấp phát sinh, Điều 19 và Điều 20 của Luật Cư trú chỉ bắt buộc đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà của cá nhân thì phải được người cho thuê, mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của Nhà nước hoặc các tổ chức chuyên kinh doanh nhà thì không cần phải có sự đồng ý của chủ nhà.
"Đây là một trong những điểm mới của Luật Cư trú nhằm đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng ký cư trú" - Đại tá Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.
Tuy nhiên, trao đổi bên lề Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, khi áp dụng, đây sẽ là vấn đề nảy sinh nhiều vướng mắc. Do lo ngại đụng chạm đến quyền, lợi ích của mình nên các chủ hộ có nhà cho thuê, cho mượn, ở nhờ sẽ khó lòng đồng ý cho người thuê, mượn, ở nhờ được nhập hộ khẩu. Khi họ không đồng ý thì quy định ở thuê, ở nhờ cũng được đăng ký hộ khẩu chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ.
Trường hợp nào không được đăng ký hộ khẩu?
Ngoài các quy định về điều kiện, thủ tục đăng ký hộ khẩu theo quy định, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cư trú quy định không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới nếu thuộc các trường hợp pháp luật cấm.
Đó là: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hoá đã xếp hạng;
Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà nằm trên đất lấn chiếm trái phép;
Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích đang có tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu;
Chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án;
Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan có thẩm quyền...
Theo Phan Đăng
Báo CAND