Hà Nội chạy đua với thời điểm 1/7
(Dân trí) - Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng người tạm trú cũng như số đối tượng được đăng kí thường trú theo điều kiện mới rất lớn. Suốt vài tháng qua và nhất là những ngày gần đây, việc “dàn quân” thực hiện Luật Cư trú mới đã được thực hiện rất gấp rút…
Tập huấn đến phút chót
Theo thống kê, Hà Nội có trên 50 vạn người đang tạm trú, trong đó có khoảng trên 14 vạn nhân khẩu KT3, KT4, người lao động trong các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng kí thường trú. Toàn thành phố hiện chỉ có 14 trụ sở tiếp đăng kí thường trú tại 14 công an quận, huyện cùng 231 trụ sở đăng kí tạm trú, 2.000 trụ sở tiếp nhận thông báo lưu trú, tạm vắng… Sức sép đối với các trụ sở, nhất là các trụ sở đăng kí thường trú này sau ngày 1/7 về cả cơ sở vật chất và con người được dự đoán là rất lớn.
Các trụ sở tiếp đăng kí thường trú hiện diện tích còn chật hẹp, thậm chí một số quận, huyện đang phải thuê địa điểm như Công an Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Sóc Sơn. Thời gian qua, công an thành phố đã thực hiện việc chỉnh trang và nâng cấp trước mắt cho các trụ sở này như trang bị quạt, điều hòa, điện thoại giải đáp…
Về chuẩn bị lực lượng, công an thành phố đã tiến hành quán triệt Luật Cư trú tới cán bộ chủ chốt, tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác đăng kí, quản lí hộ khẩu. Trong đó, việc tập huấn cho số cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng kí cư trú đảm bảo các cán bộ này có đủ kĩ năng tiếp nhận giải quyết tốt hồ sơ đăng kí cư trú cho công dân. Bên cạnh trang bị kĩ năng, chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng giao tiếp, thái độ đã được đề cao trong việc triển khai thực hiện luật mới.
Do có những văn bản, những qui định mới được ban hành nên trong những ngày gần đây, thậm chí sát mốc giới 1/7, các cán bộ của PC 13 tiếp tục tập huấn “nóng” cho các cán bộ quận huyện.
Công an thành phố cũng đã chỉ đạo niêm yết thông báo công khai tại các trụ sở tiếp công dân đăng kí cư trú. Cùng đó, thông báo địa chỉ, số điện thoại cần liên hệ để thông báo lưu trú cho các hộ dân, các cơ sở kinh doanh lưu trú khi có khách lưu trú. Xây dựng trang web thông báo tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục hồ sơ, biểu mẫu đăng kí hộ khẩu để công dân theo dõi và sử dụng.
Công an “cảm nhận” khó khăn
Bên cạnh sức ép đối với các bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng kí thường trú trong việc thực hiện các qui định mới về điều kiện đăng kí, về thời gian trả kết quả, Công an Hà Nội cũng “dự báo” trước những khó khăn, phức tạp trong công tác quản lí.
Do người dân có thể thông báo lưu trú qua điện thoại, không nhất thiết phải trực tiếp đến trụ sở công an khiến cảnh sát khu vực phải tăng cường nắm tình hình, kiểm tra mới phát hiện được đủ số người lưu trú, những người lưu trú có nghi vấn trong khu vực.
Việc đăng kí tạm trú không phân biệt KT3, KT4, học sinh, sinh viên, không qui định thời hạn nên sẽ xảy ra tình trạng người đã được cấp chứng nhận tạm trú khi thay đổi chỗ ở sẽ xin cấp giấy chứng nhận tạm trú mới, không nộp lại giấy cũ do vậy một người có thể sử dụng nhiều giấy tạm trú, khi giao dịch hoặc khi xảy ra vụ việc rất khó xác định nơi ở chính xác, đồng thời số liệu về họ sẽ chồng chéo khó kiểm soát được.
Luật qui định nếu không phải đối tượng thì khi đi khỏi nơi cư trú không phải báo tạm vắng, chỉ được xóa hộ khẩu khi đã định cư ở nước ngoài, chết, có thông báo mất tích của tòa án… nên sẽ phát sinh rất nhiều hộ khẩu danh nghĩa, đăng kí xong đi đâu, làm gì cảnh sát khu vực không biết, không xử lí được…
Kim Tân