Hổ hoang dã tại Việt Nam còn chưa đến 50 cá thể
(Dân trí) - Ngày 29/12, tại Hà Nội, Cục Kiểm Lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức thẩm định kết quả dự án điều tra đánh giá khảo sát loài hổ hoang dã và trong điều kiện nuôi nhốt tại Việt Nam.
(Ảnh minh họa: vea.gov.vn)
Theo báo cáo của dự án trên, vùng phân bố của hổ hoang dã tại Việt Nam hiện nay bao gồm 6 tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh,Quảng Nam, Kon Tum, Đắc Lắc với tổng diện tích 9.266 km2.
Các nhà khoa học đã khảo sát tại 6 khu bảo tồn và vườn quốc gia: Mường Nhé (Điện Biên), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Chư Mom Ray (Kon Tum), Sông Thanh (Quảng Nam), Yok Don (Đắc Lắc) và phát hiện dấu tích của khoảng từ 27 đến 47 cá thể hổ hoang dã tại đây với số lượng cụ thể: Mường Nhé từ 2 - 5 cá thể; Pù Mát từ 5 - 10 cá thế; Vũ Quang từ 5 - 7 cá thể; Sông Thanh (khu vực giáp biên giới Việt - Lào) 10- 20 cá thể; Chư Mom Ray từ 3 - 5 cá thể. Riêng vườn quốc gia Yok Don, tính đến tháng 6/2011 không ghi nhận được thông tin về dấu tích loài hổ tại đây.
Theo PGS, TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hổ hoang dã tại Việt Nam đã suy giảm nhanh chóng, từ hơn 100 cá thể cách đây khoảng 10 năm, nay chỉ còn chưa đến 50 cá thể. Nguyên nhân chính là do tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép, phá rừng làm nương rẫy, lấy đất canh tác và phát triển cơ sở hạ tầng…gây mất sinh cảnh sống của loài hổ và con mồi.
Hiện trạng nuôi nhốt hổ tại Việt Nam cũng được các nhà khoa học đề cập đến trong dự án này. Theo đó, 74 cá thể hổ, trong đó có 26 cá thể hổ con đang được nuôi nhốt với mục đích làm cảnh, trưng bày, phục vụ tham quan, kinh doanh tại 6 trại nuôi thuộc 4 tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết những con hổ này được các cơ sở nuôi từ nhỏ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã gửi 38/40 mẫu gene thu nhận được từ những con hổ nuôi nhốt này và gửi sang nước ngoài xét nghiệm. Từ đó xác định được trong số này có 7 cá thể hổ Amua, 25 cá thể hổ Đông Dương và 4 cá thể hổ Ấn Độ.
Tại buổi làm việc, các nhà khoa học cũng đề xuất với cơ quan chức năng các giải pháp nhằm bảo tồn loài hổ như: Hướng tạo cơ sở pháp lý trong bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật có tên trong Sách Đỏ, gắn chíp điện tử cho từng cá thể hổ hoang dã, thiết lập vùng bảo vệ hổ đề xuất ở 4 khu bảo tồn và vườn quốc gia có quần thể hổ từ 10 cá thể trở lên; tăng cường nghiên cứu cấu trúc sinh học, sinh thái hổ nhằm tránh tình trạng cận huyết gây giảm chất lượng nòi giống và có Kế hoạch hành động bảo tồn loài hổ đến năm 2020.
Thu Phương
TTXVN