1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hiệp định Paris - Một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam

(Dân trí) - Cách đây đúng 39 năm, ngày 27/1/1973, tại Pari, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Pari về Việt Nam, đã được ký kết.

Đây một thắng lợi có ý nghĩa lích sử của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Hiệp định Paris - Một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam - 1

Toàn cảnh Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (Nguồn ảnh: Internet)

 

Trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài như tại Hội nghị Paris, từ 15/3/1968 đến 27/1/1973, cụ thể kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên bàn thương lượng đã giành được thắng lợi.

 

Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Với hiệp định, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt dính líu quân sự. Ngụy mất chỗ dựa, bị suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng. Mỹ phải lùi về chiến lược, rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại.

 

Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Là tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 1975.

 

Hiệp định Paris 1973 phản ánh được ở mức cao thắng lợi và xu thế cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”. Sự hình thành của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đã thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân.

 

Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia. Giải pháp về Lào gần như đồng thời với Hiệp định Paris về Việt Nam, tháng 2/1973. Hiệp định Paris mở đường cho thắng lợi của Campuchia tháng 4/1975.

 

Đặc biệt, thắng lợi của nhân dân Việt Nam góp phần mở ra cục diện mới ở Đông Nam Châu Á; quân đội Mỹ rút khỏi khu vực; khối SEATO giải tán; xu thế hòa bình, trung lập trong khu vực phát triển.

 

Hội nghị Paris đã để lại nhiều bài học lớn lao, trong đó bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên giá trị thời sự và thiết thực đối với các quốc gia trong một thế giới đầy biến động.

           

* Tài liệu tham khảo:

 

1. Nguyễn Đình Bin (Chủ biên, 2001), Ngoại giao Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

2. Lê Mậu Hãn (Chủ biên, 2009), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục Việt Nam.

 

3. Viện sử học (1985), Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

Viết Hảo