Hiệp định Paris giúp giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào
Ký kết Hiệp định Paris năm 1973 là thành tựu lớn của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời là cột mốc chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.
LTS: Hiệp định về Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris về Việt Nam) được ký kết vào ngày 27/1/1973 tại thủ đô của nước Pháp. Nhân tròn 50 năm sự kiện này, ông Phan Đức Thắng, nguyên sĩ quan phiên dịch cho Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự đặt tại Trại Davis (bên trong sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn) chia sẻ với phóng viên VOV về quá trình đấu tranh để thực thi Hiệp định này.
Giảm hy sinh xương máu, đẩy nhanh sự nghiệp giải phóng
Nói đến Hiệp định Paris là nói đến 3 khía cạnh: đàm phán, ký kết và thi hành, trong đó yếu tố thi hành cũng rất quan trọng, giúp Hiệp định không chỉ tồn tại trên giấy. Quá trình thi hành Hiệp định Paris cũng là một quá trình cam go, là một cuộc đấu tranh thực sự.
Ông Phan Đức Thắng, người trực tiếp tham gia quá trình đó, cho biết: Dù chúng ta chỉ thực hiện được một số điều khoản của Hiệp định Paris (do sự chống phá của đối phương) thì điều đó vẫn có ý nghĩa rất lớn, tạo ra bước ngoặt trên chiến trường miền Nam, thay đổi cán cân lực lượng, giúp chiến sĩ và đồng bào ta bớt đổ máu, và quá trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra nhanh chóng hơn.
Hiệp định Paris đã được các bên thực hiện trong 2 năm 3 tháng, từ tháng 1/1973 đến tháng 4/1975.
Theo đánh giá của ông Phan Đức Thắng, thành tựu quan trọng nhất trong triển khai Hiệp định là đã buộc được quân Mỹ phải rút khỏi chiến trường miền Nam. Ông cho biết, việc ngừng bắn không thực hiện được do sự phá hoại của Mỹ - ngụy.
Việc thi hành Hiệp định do 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ, và Việt Nam Cộng hòa) thực hiện trong giai đoạn từ 28/1/1973 - 29/1/1973. Giai đoạn từ ngày 30/3/1973 đến 30/4/1975 chỉ còn 2 bên thực hiện (Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa).
Quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam trong 60 ngày theo quy định của Hiệp định, từ ngày 28/1/1973 đến ngày 29/3/1973. Đồng thời các bên cũng đã thực hiện trao trả tù binh và tù dân sự.
Cựu sĩ quan phiên dịch Phan Đức Thắng khẳng định: Đấu tranh buộc quân Mỹ rút đi là một thắng lợi lớn mang tính quyết định, đúng như tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đánh đuổi quân xâm lược, từ đó tạo tiền đề vững chắc để thực hiện "đánh cho ngụy nhào", thu non sông về một mối.
Ông Thắng nói: "Nếu không buộc được Mỹ rút quân thì cuộc kháng chiến sẽ còn gian khổ, khốc liệt và kéo dài".
Ông Thắng cho biết, trong thời gian 8 năm quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến tại miền Nam, họ đã gây cho phía ta nhiều tổn thất xương máu.
Ngoài ra còn có một yếu tố nữa trong Hiệp định giúp giảm tổn thất sinh mạng cho nhân dân và chiến sĩ ta là việc Mỹ chấp nhận tiến hành rà phá bom mìn mà họ thả xuống để phong tỏa một số cảng biển và cửa sông ở miền Bắc Việt Nam. Ông Thắng kể, công binh Mỹ đã phối hợp với Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hiện việc gỡ bỏ bom mìn này.
Hai cuốn sách nói về cuộc đấu trí trong Trại Davis giai đoạn thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam. (Ảnh: Trung Hiếu).
Hoạt động tình báo và vai trò nghi binh chiến lược
Sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam, hai phái đoàn quân sự của ta vẫn tiếp tục đóng tại Trại Davis (đến tận ngày 30/4/1975) và tích cực tiến hành nhiệm vụ cách mạng ngay giữa lòng địch, từ đó đẩy nhanh việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Thắng cho hay, bên trong Trại Davis, ta có một tổ tình báo kỹ thuật chuyên theo dõi di chuyển của các sư đoàn quân đội Sài Gòn cũng như hoạt động của máy bay quân sự địch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tổ cũng tìm kiếm dấu hiệu về sự hoạt động nếu có của quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Họ cũng đánh giá liệu Mỹ có đưa quân trở lại Việt Nam hay không.
Song song với hoạt động tình báo, cán bộ chiến sĩ của ta tại Trại Davis còn quả cảm thực hiện vai trò nghi binh chiến lược.
Thực tế, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin và trưởng bộ phận tình báo của CIA tại Sài Gòn Thomas Polgar rất quan tâm tới 2 đoàn đại biểu quân sự của ta ở Trại Davis.
Ông Thắng cho biết, Đại sứ Martin thường thông qua đại diện Mỹ trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên (giai đoạn đầu) và đại diện Ba Lan trong Ủy ban quốc tế về giám sát Hiệp định Paris để nắm phản ứng của ta.
Trong khi đó, trùm tình báo Polgar lại thông qua phái đoàn Hungary để dò la. Ủy ban quốc tế gồm 4 phái đoàn là Hungary, Ba Lan, Canada (sau đó thay bằng Iran) và Indonesia.
Trước tình hình đó, lực lượng của ta (khoảng 300 người) tại Trại Davis đã tuyệt đối giữ bí mật ý đồ chiến lược của quân giải phóng. Các cán bộ quân sự của ta đã có nhiều động thái, bao gồm cả gặp gỡ các bên, để đánh lạc hướng đối phương, làm cho họ đánh giá sai ý đồ của ta trên chiến trường, hoặc không biết được ta sẽ đánh lớn ở đâu.
Các nỗ lực tình báo và nghi binh này cũng góp phần không nhỏ giảm xương máu phải đổ xuống của chiến sĩ ta trên chiến trường./.