1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hiên ngang bám biển Hoàng Sa

“Có chấm trắng, tàu xám” - đó là câu nói khá quen thuộc trên Icom của ngư dân Hoàng Sa. Chấm trắng là tàu hải giám, kiểm ngư, tàu xám là tàu quân sự của Trung Quốc. Không thể thống kê hết một năm ngư dân bao nhiêu lần đụng chấm trắng, chấm xám ở Hoàng Sa.

 

Hiên ngang bám biển Hoàng Sa

Thuyền trưởng Đặng Tằm từng bị Trung Quốc bắt và phá đồ đạc trên tàu vẫn quyết tâm không từ bỏ ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Trung.

 

Đối mặt

 

Tàu cá QNg 98416TS của thuyền trưởng Trần Bảnh (60 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) vừa cập cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) sau chuyến hành nghề lưới rê ngoài Hoàng Sa.

 

Ông Bảnh cho biết: Thời tiết Hoàng Sa sau Tết thuận lợi, cá nhiều nhưng liên tục bị tàu chiến, kiểm ngư Trung Quốc xua đuổi. Hai ngày 1 đêm, con tàu 320 CV của ông Bảnh cập vùng biển Hoàng Sa truyền thống của Việt Nam. Vừa bủa lưới đánh bắt, bất ngờ phát hiện bóng con tàu trắng, to gấp 3-4 lần tàu cá Việt Nam, lù lù áp lại.

 

“Ban đầu, tàu chiến này chỉ dùng sức rẽ nước từ bánh lái để uy hiếp, xua đuổi tàu mình ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Nếu mình không chạy, tàu Trung Quốc sẽ triển khai biện pháp uy hiếp mạnh hơn” - ông Bảnh nói.

 

Trong chuyến ra khơi, tàu ông Bảnh ít nhất 2 lần giáp mặt tàu chiến và kiểm ngư Trung Quốc. Để tránh căng thẳng, ông cho tàu nổ máy, phóng ra địa điểm xa hơn. Nếu không bị Trung Quốc ngang nhiên xua đuổi, chắc chắn sản lượng khai thác cao hơn vì đang vào mùa đánh bắt thuận lợi.

 
Thuyền trưởng Trần Bảnh trên con tàu 320CV vừa từ Hoàng Sa vào bờ. Ảnh: Nguyễn Huy.
Thuyền trưởng Trần Bảnh trên con tàu 320CV vừa từ Hoàng Sa vào bờ. Ảnh: Nguyễn Huy.

 

Ông Nguyễn Ba (cùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90368TS của chủ tàu Lê Văn Dũng (Sơn Trà, Đà Nẵng) vừa cập âu thuyền Thọ Quang, kể: Thời gian gần đây, không chỉ dùng tàu chiến, phía Trung Quốc còn đưa cả trực thăng ra quần đảo. “Chuyến biển vừa qua, tàu chúng tôi đang đánh bắt cách Hoàng Sa đến vài chục hải lý nhưng máy bay Trung Quốc vẫn ra lượn lờ nhiều vòng, đến khi nào tàu mình chịu nổ máy đi nơi khác mới thôi”, anh Lê Văn Cường (quê Hội An, Quảng Nam), thuyền viên trên tàu ĐNa 90368, kể.

 

Tàu tuần tra Trung Quốc hụ loa, bắn súng lệnh bắt tàu ông Thường phải dừng. Tuy nhiên, tàu to xác của Trung Quốc đã gặp phải ngư dân kỳ cựu. Hai bên vờn nhau suốt 5 tiếng đồng hồ từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối.

Nhiều thuyền trưởng tàu cá Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh... cho rằng tàu cá Trung Quốc ngày càng ngang nhiên khai thác đánh bắt trái phép vùng biển chủ quyền Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Ba cho hay: “Cách Đà Nẵng 20-30 chục hải lý đã thấy xuất hiện bóng tàu cá Trung Quốc khai thác. Phần lớn tàu này đánh bắt theo kiểu hủy diệt, khai thác tận thu, loại cá nhỏ cũng bắt”.

 

Thuyền trưởng tàu cá HT 3275 Trần Xuân Việt (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh), kể: “Cuối năm 2012, đang đánh bắt ở vùng biển cách Đà Nẵng chừng 60 hải lý, gặp tàu cá Trung Quốc. Một ngư dân nước này dùng xuồng nhỏ bơi sang tàu anh Việt, tự ý dùng bộ đàm để liên hệ, sau đó xuống lại xuồng mà không hề nói câu gì. Để tránh xung đột, tôi can anh em trên tàu kiềm chế, dù thái độ ngư dân Trung Quốc này khá hống hách” - anh Việt nói.

Hai tàu cá của ông Dương Văn Giàu và Bùi Văn Phải ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hôm 11/3 mới đây bị tàu hải giám của Trung Quốc xua đuổi. Hai tàu này đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

“Vờn” nhau với tàu Trung Quốc, không bỏ ngư trường

 

Hẳn phần lớn người trên bờ không biết rằng đó là chuyện cơm bữa với bà con ngư dân. Chuyến biển nào cũng phải giáp mặt vài lần. Các ngư dân phải phơi nắng trên sàn thuyền để bọn lính nhảy sang lục lọi, phá đồ đạc. Bên tàu Trung Quốc, những họng súng chĩa sang anh em ngư dân miền Trung. Tuy nhiên, tàu màu xám ít bắt người, thu tàu hơn đám lính kiểm ngư.

 

Ngư dân Võ Tân ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, thường thì bọn lính mở nắp hầm tàu, hốt cá ném sang tàu tuần tra rồi bỏ đi. Đôi khi ngư dân bị chúng lôi về đảo phạt tiền. Nhưng dù bị xua đuổi gắt gao, ngư dân vẫn quay lại đúng nơi họ bị bắt để tiếp tục kéo lưới. Sau mỗi lần như thế, ngư dân lại lên máy Icom kết nối “rút kinh nghiệm” với các tàu bạn để tương kế tựu kế.

Thuyền trưởng Trần Bảnh trên con tàu 320CV vừa từ Hoàng Sa vào bờ. Ảnh: Nguyễn Huy.
Thuyền trưởng Trần Thế Anh (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) từng bị Trung Quốc bắt thu tàu năm 2012, khẳng định sẽ cương quyết không dừng tàu để bị bắt. Ảnh: Thanh Trung .

 

Một trong những chiêu của ngư dân ta là “vờn nhau” với tàu tuần tra Trung Quốc. Ngư dân Võ Đức Lê (45 tuổi, ở xóm Ghành Cả, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi), kể, mỗi khi thấy tàu tuần tra Trung Quốc, thuyền trưởng ta cứ tỉnh bơ kéo ga chạy tiếp, việc cập mạn tàu để bắt bớ không hề dễ dàng. Khi tàu tuần tra lướt phía trước mũi tàu ngư dân, ép dừng, thì thuyền trưởng lại kéo ga, đánh số lùi, cho tàu bẻ ngoặt sang hướng khác.

 

Trong đợt cấm biển của Trung Quốc, ngư dân thường xuyên chơi trò so kè này. Ông Tiêu Viết Thường, một ngư dân xã Bình Châu, nổi tiếng là người nhiều lần cập kè bất đắc dĩ với tàu tuần tra Trung Quốc.

 

Có chuyến quần nhau đến 5 tiếng đồng hồ. Lần đó, tàu tuần tra Trung Quốc bắc loa, bắn súng lệnh bắt tàu ông Thường phải dừng. Tuy nhiên, tàu to xác của Trung Quốc đã gặp phải ngư dân kỳ cựu.

 

Hai bên “vờn” nhau suốt 5 tiếng đồng hồ từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối. “Tàu họ bự hơn nên vòng cua sẽ lớn, còn thuyền mình nhỏ thì có thể cua gấp” – các ngư dân triệt để vận dụng thế mạnh này, cho tàu chạy hình dích dắc.

 

Chiếc tàu tuần tra bật đèn pha rọi thẳng vào cabin thuyền để lóa mắt người cầm lái. Biết tàu tuần tra điên tiết muốn bắt mình, ông Thường cương quyết không dừng tàu. Nhờ kinh nghiệm tay lái lụa, các ngư dân đã thoát ra để trở về an toàn.

 

Thuyền trưởng Luận (thôn Định Tân, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) chuyên làm nghề khai thác rau câu ở Hoàng Sa. Do đặc thù nghề nghiêp, con tàu bé nhỏ của ông luôn lọt vào giữa bãi san hô rộng mênh mông để hái rau. Quy trình làm ăn hàng ngày là hái, phơi, dồn bao, chất lên thuyền, chờ ngày về quê.

 

Giữa cái nắng thiêu đốt, ngư dân vẫn cần mẫn. Họ dựng một túp lều tạm trên bãi cạn để nghỉ trưa ở Hoàng Sa. Tàu tuần tra Trung Quốc soi ống nhòm, phát hiện căn lều của ngư dân, liền xông tới xua đuổi. Nhưng đuổi đầu này, ngư dân lại chạy sang bãi cạn khác. Con tàu lao đi đuổi hàng trăm tàu ngư dân đánh cá thì các ngư dân hái rau lại trở về. Với bà con, Hoàng Sa luôn là của Việt Nam nên họ luôn tìm đường trở lại.

 

Chủ tàu QNg 98482 TS Võ Đình Minh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), Tổ trưởng tổ liên kết bám biển, cho hay: Mỗi lần ra khơi, tàu thuyền địa phương đi từng tổ nhóm trung bình 5-7 tàu cùng khai thác và hỗ trợ lẫn nhau. “Dẫu khó khăn, phức tạp nhưng chúng tôi vẫn quyết bám biển, không bỏ ngư trường truyền thống Hoàng Sa”.

 

Theo Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng: Năm 2012, Đà Nẵng phát hiện gần 300 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, cách vùng biển Đà Nẵng 20-45 hải lý (tăng 153 lượt so với năm 2011).

 

Thủ đoạn của họ liên tục thay đổi: đi thành từng tốp đông, tàu công suất lớn đi trước hỗ trợ hoạt động của tốp sau; hoặc sử dụng tàu sắt đi giữa bảo vệ cụm tàu 4 - 10 chiếc ngang nhiên lấn chiếm ngư trường.

 

Theo BQL Cảng cá và âu thuyền Thọ Quang (Sở NN&PTNT Đà Nẵng), nhiều tàu cá ngư dân vào neo đậu phản ánh tình hình căng thẳng trên biển Đông. Họ bị tàu Trung Quốc xua đuổi khi đánh bắt ở vùng biển truyền thống. Đơn vị đã tuyên truyền, vận động ngư dân vững tâm ra khơi, chủ động khai thác trên vùng biển chủ quyền nước ta với thái độ ôn hòa, linh hoạt.

 

Theo Thanh Trung - Nguyễn Huy

Tiền phong