1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hiến kế giúp TPHCM “hóa rồng”: Người đạp ga, kẻ đạp thắng, sao phát triển được?

(Dân trí) - “Muốn TPHCM như Thượng Hải (Trung Quốc) thì phải "thay máu". Máu ở đây là cơ chế đặc thù và con người. Cán bộ phải thay đổi chứ như thế này thì không ổn. Kẻ đạp ga, người đạp thắng, sao mà phát triển?”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ về câu chuyện công tác cán bộ. (Clip: Phạm Nguyễn)

Phải thay máu”!

Phóng viên: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Hậu, dưới góc độ là một chuyên gia pháp lý, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đề ra là đưa TPHCM phát triển vào “Top 1” Việt Nam và vươn tầm với các thành phố lớn trong khu vực ASEAN, thậm chí như là Thượng Hải (Trung Quốc)?


Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phải) trao đổi cùng PV Dân trí.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phải) trao đổi cùng PV Dân trí.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Bí thư Đinh La Thăng lấy hình tượng con ngựa vốn chạy nhanh nhưng khi thả con hổ đuổi theo ngựa còn chạy nhanh hơn nữa. Nghĩa là phải luôn thúc giục thì mới phát triển mạnh.

Muốn TPHCM như Thượng Hải thì một mình Bí thư Thăng thôi e rằng rất khó. Phải có cơ chế và con người thì mới như Thượng Hải được.

TPHCM hiện có “bảo bối” là Nghị quyết 16, 20 rồi. Vậy cần gì nữa để gọi là “cơ chế đặc thù”?

Trung ương đã có nhiều cơ chế riêng cho TPHCM, mới đây nhất là Nghị quyết 16, 20 của Bộ Chính trị. Nhưng để TPHCM phát triển vượt bật hơn nữa, giống như các thành phố lớn Singapore, Thượng Hải thì phải có rất nhiều điều kiện khác. Là chuyên gia pháp lý, tôi cho rằng điều kiện quan trọng nhất là phải tạo cơ chế riêng cho thành phố. Dĩ nhiên cơ chế này không trái những quy định của Hiến pháp và Luật định.

Dù Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 16, 20 nhưng TPHCM vẫn không thành công. Tại sao? Vì cơ chế và bộ máy như thế này thì làm sao phát triển được. Phải có một cuộc cải cách về công tác cán bộ chứ không thể nói trên giấy.

Ở Singapore, cán bộ năng động, trẻ hóa. Nhìn vô tác phong làm việc là biết ngay là năng động hay không. Bên Thượng Hải họ có quyền đặc thù, được quyết tất cả, còn mình xử lý cán bộ công chức khó lắm. Hết đụng người này đến vướng chỗ kia.

Lãnh đạo cần sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi. (Clip: Phạm Nguyễn)

Vậy theo ông, không riêng vấn đề cơ chế mà phải là yếu tố con người thì mới “mưu nghiệp lớn” được?

Để TPHCM phát triển vượt bậc như Thượng Hải, các thành phố lớn trong khối ASEAN thì vấn đề quan trọng xét cho cùng vẫn là con người. Chúng ta phải đào tạo ra đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có tâm và tầm, tức là vừa hồng vừa chuyên. Họ phải nhiệt tình, tốc độ làm việc như xã hội công nghiệp thì mới đưa TPHCM phát triển được. Đột phá về thể chế và cải cách cán bộ thì việc vươn lên như Thượng Hải sẽ không là mục tiêu xa vời.

Vấn đề quan trọng nữa là cải cách hành chính. Lâu nay, hành chính của nước ta “hành là chính”. Với tư cách là luật sư, tôi đã đi thực hiện những dịch vụ hành chính và thấy quá nhiều bất cập, nhiêu khê. Có những thủ tục lẽ ra làm trong vòng 10 phút thì kéo dài hàng tuần. Có việc chỉ cần làm 1 giờ mà kéo dài 1 tuần. Tôi đổi sổ hồng, trước đây quận có thể đăng ký cập nhật nhưng theo luật bây giờ đưa về Sở Tài nguyên Môi trường nên mất cả 4 tháng, thậm chí cả năm.

Nếu đồng chí Bí thư mà nghe các chuyên gia thực hiện dịch vụ pháp lý như chúng tôi kể thì rất nhiều những nhiêu khê cần chấn chỉnh gấp.

Lâu nay chúng ta có cụm từ quen thuộc là “cơ chế riêng cho TPHCM”. Vậy cơ chế riêng đó là cụ thể như thế nào?

Ví dụ, trong việc đầu tư nước ngoài, trung ương nên phân cấp, phân quyền cho TPHCM được làm những việc không trái với Hiến pháp và Luật định. Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, TPHCM được toàn quyền xử lý trong những vụ việc thuộc thẩm quyền. Giao cho TPHCM toàn quyền và chịu trách nhiệm trước Trung ương. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Thủ tướng và Tổng Bí thư về những hoạt động của mình. Người đứng đầu phải như nhạc trưởng điều hành dàn nhạc. Dàn nhạc hay phụ thuộc nhiều vào nhạc trưởng.

Trung ương cần có cơ chế thoáng cho TPHCM được thẩm quyền xử lý những cán bộ thuộc quyền. Có thể cách chức, miễn nhiệm từ Phó Chủ tịch trở xuống. Dĩ nhiên trong Luật chính quyền địa phương chúng ta đã ban hành nhưng để thực sự cụ thể hóa thì Chính phủ cần tạo cho TPHCM cơ chế riêng, khác với các tỉnh khác.


Luật sư Hậu: Đô thị đặc biệt thì cách điều hành mang tính đặc thù riêng so với tỉnh thành khác.

Luật sư Hậu: Đô thị đặc biệt thì cách điều hành mang tính đặc thù riêng so với tỉnh thành khác.

Ông Lý Quang Diệu “khởi nghiệp” với Singapore bằng những việc rất đơn giản như nhặt rác. Theo luật sư, chúng ta cần những hành động, chiến lược cụ thể nào trong cả sự nghiệp xây dựng và phát triển TP?

Để xây dựng và phát triển TPHCM thì phải có sức mạnh tổng hợp. Một mình đồng chí Bí thư không thể kéo nguyên một đoàn tàu đi được. Phải cải tổ bộ máy chúng ta vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng nhu cầu hội nhập của thế giới. Nếu có cơ chế và công tác cán bộ thì sẽ đột phá ngay, không cải cách thì chắc chắn sẽ tiếp tục ì ạch so với ASEAN.

Phải làm hết việc chứ không đợi hết giờ

Lâu nay, nhiều người vẫn hoài nghi về sự chuyên nghiệp của bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Thời gian gần đây, khi Bí thư Đinh La Thăng tiếp quản “ghế nóng”, tinh thần “Ngay và Luôn” của ông khiến không ít cán bộ thấy áp lực. Liệu rằng, guồng chạy nhanh này thì cán bộ công chức có bắt nhịp kịp không, hay sẽ xuất hiện trào lưu xin ra khỏi cơ quan nhà nước?

Nếu cán bộ nào nghĩ vào làm nhà nước để tham nhũng, lấy cắp của công… thì phải đào thải. Những chuyên gia cho rằng, nếu làm việc 8h/ngày thì họ không phát triển được. Chúng tôi làm việc từ 16-17h/ngày. Để phát triển đất nước thì phải làm hết việc chứ không phải hết giờ. Ở những nước tiên tiến, họ lấy hiệu quả công việc là chính.

Trong cải cách sẽ đụng chạm rất nhiều. Đặc biệt, trong cải cách cán bộ, bao giờ cũng gặp sức ì, sức cản. Nếu phá vỡ cái ì ạch này thì đất nước “hóa rồng”, từ đó đào thải đội ngũ không đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Luật sư hiến kế giúp TPHCM "hóa rồng" (Clip: Phạm Nguyễn)

“Bụng no thì mới cống hiến”. Với lương như hiện nay thì cán bộ công chức có sống được không? Chính quyền đô thị thì nên chăng cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ công chức để họ chuyên tâm làm việc. Không để vừa làm việc trong nhà nước vừa lo việc bên ngoài kiếm thêm thu nhập. Ông đồng tình quan điểm này không?

Cải cách cán bộ thì phải cải cách tiền lương. Tiền lương là kết quả làm việc, năng lực của cán bộ đó. Nếu làm tốt thì mức lương tốt. Trước đây, việc cần 10 người. Nay 1 người làm tốt thì xứng đáng hưởng lương của 10 người đó. Chúng ta sẵn sàng trả lương cao vì sự phát triển của TP. Ở các nước trên thế giới, tiền lương đánh giá năng lực của cán bộ. Ông có niềm tin vào Bí thư Thăng?

Ông ấy mới về có một thời gian ngắn mà TPHCM có bước ngoặt đáng kể. Trong việc phòng chống tội phạm, cải cách hành chính… đã thay đổi khá nhiều.

Tôi tin ông Thăng sẽ là đầu tàu mạnh mẽ nhất. Tôi nghĩ, nếu cán bộ các Sở ngành, quận huyện đều thực hiện tốt những chỉ đạo của Bí thư Thăng cũng như Thường vụ Thành ủy thì đoàn tàu này sẽ chạy tốt. Chứ một người đạp ga mà có người đạp thắng thì không sao phát triển được.

Xin cảm ơn luật sư!

Công Quang (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm