Thanh Hóa:
Hiểm nguy rình rập trên những cây cầu tạm
(Dân trí) - Chỉ bằng những cây luồng, người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã “tự chế” cho mình những cây cầu để đi lại. Nhiều cây cầu đã mục nát qua thời gian, nhưng hàng ngày hàng trăm người dân và học sinh vẫn phải bất chấp nguy hiểm để qua lại…
Trong chuyến công tác lên huyện Ngọc Lặc, chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng trăm em học sinh các cấp phải đến trường trên những chiếc cầu chênh vênh đầy nguy hiểm. Vốn là một trong 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh hoá, huyện Ngọc Lặc được biết đến như cửa ngõ giao thương của các huỵên miền núi phía tây Thanh Hoá.
Theo chân cán bộ Phòng Công thương huyện Ngọc Lặc, chúng tôi mục sở thị một số bến đò ngang dọc theo dòng sông Âm. Với chiều dài hơn 20 km, sông Âm chảy qua địa bàn 4 xã của huyện Ngọc Lặc. Để tiện cho việc đi lại, người dân một số xã hai bên bờ sông đã dùng luồng bắc thành 5 cây cầu tạm để qua sông.
Cách trung tâm huyện Ngọc Lặc gần 40km, sau hơn một giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi tìm đến xã Phùng Minh. Toàn xã không có lấy một cây cầu kiên cố mà chỉ có 3 chiếc cầu tạm bắc qua dòng sông Âm. Người dân nơi đây đã dùng luồng đóng thành mảng, rồi ghép các mảng với nhau làm thành cây cầu để đi lại.
Qua trao tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Phùng Minh có 778 hộ với 3.300 nhân khẩu, chia thành 9 làng, trong đó 3 làng nằm bên bờ hữu sông Âm gồm: Làng Mui, làng Lãi, làng Tân Lập. Tổng ba làng có 163 hộ, với 730 nhân khẩu đang hàng ngày phải đi qua 3 chiếc cầu tạm để giao thương với trung tâm xã cũng như các xã phụ cận. Số đông người dân là các em học sinh phải qua cầu để tới trường.
Dẫn chúng tôi xuống cầu tạm tại làng Tân Lập, ông Lê Văn Mão, Phó chủ tịch Hội đồng nhân xã Phùng Minh cho biết, 60% dân số ở đây là người dân tộc Mường. Là một xã thuần nông nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 20 phút vừa đi vừa tâm sự, chúng tôi có mặt tại khu vực bờ sông nơi có chiếc cầu được làm từ những cây luồng rất đơn giản bắc qua. Đúng vào lúc tan trường, được tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục em học sinh trường tiểu học Phùng Minh dắt xe đạp nối đuôi nhau đi trên cây cầu ghép bằng các mảng luồng để về nhà, chúng tôi không khỏi lo lắng.
Em Nguyễn Văn Vĩ, học sinh lớp 4, trường tiểu học Phùng Minh tâm sự: “Chúng em đi thế này nhiều cũng quen rồi, nhưng chỉ đi được vào mùa nước cạn thôi, còn mùa mưa lũ lớn bố mẹ phải đưa qua. Bố mẹ mà không đưa qua thì em phải nghỉ học ở nhà”.
Mục sở thị bến đò ngang, dù đang mùa nước cạn nhưng dòng sông Âm vẫn rộng đến 40 m. Để có đường đi lại, người dân nơi đây đã góp luồng, đóng lại thành mảng rộng hơn 1m, rồi nối các mảng luồng lại với nhau làm thành cây cầu nối các làng trong xã.
May nắm hơn hai bến đò ở làng Mui và làng Lãi, bến đò ngang Tân Lập được trang bị bằng xuồng máy do gia đình nhà anh Lê Vĩnh Hoàn mua và đưa vào sử dụng cách đây ba năm.
Anh Hoàn cho biết: “Trong ba bến thì bến đò Tân Lập này có số lượng người qua lại đông nhất. Mỗi ngày thường có hơn 100 học sinh qua lại, tính cả người dân, mỗi ngày đến khoảng 200 lượt người phải qua sông. Cách đây 3 năm tôi đã mua cái xuồng máy làm phương tiên đi lại cho người dân, nhưng lúc lũ lớn thì xuồng máy cũng phải dừng hoạt động”.
Ông Phan Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Phùng Minh cho biết: “Dòng sông Âm mùa mưa lũ đổ về nước lớn lắm. Lũ về ba làng ở bên kia sông biệt lập hoàn toàn, ai muốn sang phải buộc dây ở hai đầu bờ sông rồi dùng mảng luồng kéo theo dây sang. Tính trung bình cả ba bến đò ngang của xã một ngày cũng phải tầm 500 người thường xuyên qua lại, trong đó phần lớn là các cháu học sinh. Mong ước của nhân dân trong xã là có một cây cầu đủ an toàn để đi lại, nhất là với các cháu học sinh khi mùa lũ về”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Việt, Trưởng phòng Công thương huyện Ngọc Lặc cho biết: “Cả Ba xã Phùng Minh, Vân Am, Phùng Giáo, hàng ngày có số lượng lớn người dân, học sinh và phương tiện qua lại. Tại xã Phùng Minh năm 2010, Sở GTVT Thanh Hoá đã về khảo sát để tiến hành làm một cây cầu treo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tuy nhiên cây cầu này nằm trong dự án thực hiện từ năm 2010 đến 2015".
Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên thực hiện công tác thanh, kiểm tra ở các bến đò ngang. Đồng thời tuyên truyền, chỉ đạo tới tận các làng, các xã nơi có sông đi qua, đặc biệt là dòng sông Âm chạy qua 4 xã, để nâng cao nhận thức của người dân, kiên quyết không để người và phương tiện qua sông trên những chiếc cầu tạm khi có lũ về”.
Hoàng Văn - Duy Tuyên