Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị "mắc kẹt" ở Hà Nội

Đỗ Quân

(Dân trí) - Trong những ngày giãn cách xã hội ở Hà Nội, nhiều người lao động tự do bị mất việc, không có tiền và không thể về quê. Họ phải tạm trú lại Thủ đô, chờ hết dịch để có thể đón xe khách trở về nhà.

Hết tiền thuê nhà, công nhân "vất vưởng" ngoài gầm cầu, vỉa hè ở Hà Nội

Đau chân, nếu không đã đi bộ về Điện Biên

Hơn 10h đêm 18/8, tại khu vực gầm cầu vượt Nguyễn Chánh, đoạn qua nút giao đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tục quê ở tỉnh Điện Biên ngồi trên vỉa hè, bên cạnh lỉnh kỉnh đồ đạc và một suất cơm hộp vẫn còn nóng.

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 1

Anh Nguyễn Văn Tục quê ở tỉnh Điện Biên, làm công nhân tại một công trường xây dựng ở Hà Nội, vừa bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Anh Tục cho biết, đang làm thợ xây cho một công trình xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ được khoảng 2 tháng thì phải tạm dừng vì dịch bệnh Covid-19. "Từ hôm giãn cách xã hội thì bên chủ thầu cũng nuôi ăn ở được khoảng chục hôm. Sau đó, là đuổi chúng tôi ra ngoài thuê trọ và bảo bao giờ hết giãn cách xã hội thì sẽ gọi lại để làm việc. Và rồi từ đó cũng tắt điện thoại luôn, không ai liên lạc được nữa…", anh Tục cho hay.

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 2

Suất cơm của anh Tục vừa được các nhà hảo tâm gửi tặng vào buổi tối.

Được biết, nhóm thợ xây của anh Tục có khoảng gần chục người, từ khi bị quản lý đuổi ra ngoài, không được ở trong công trường thì mọi người đã rủ nhau đi bộ về Điện Biên vì không còn xe khách hoạt động, duy nhất anh Tục là không thể đi bộ về quê với lý do đau chân.

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 3

"Tôi đi bộ nhiều đến mức 2 bàn chân phồng rộp hết lên, mọng nước. Phải lấy cái tăm chọc ra cho nhanh khỏi. Mà bây giờ anh em lại rủ đi bộ về tận Điện Biên thì chắc chết, nên là cứ lang thang ở Hà Nội để xin ăn. Cố gắng chờ đến khi nào dịch vụ xe khách được mở trở lại thì xin tiền các nhà hảo tâm để về quê thôi, chứ giờ cũng chẳng biết làm thế nào", anh Tục chia sẻ.

Trong 2 tháng làm thợ xây tại công trường, anh Tục chỉ nhận được vỏn vẹn 500 nghìn đồng tiền tạm ứng mua đồ dùng cá nhân. Và cũng từ đó tới nay, anh Tục chưa nhận thêm được bất kì đồng tiền nào từ công trường xây dựng này.

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 4

Hơn 11h đêm 18/8, anh Nguyễn Văn Tục nằm ngủ tại gầm cầu vượt Nguyễn Chánh (Hà Nội).

Hiện tại, vào khung giờ buổi sáng mỗi ngày, anh Tục đi bộ loanh quanh khu vực đường Trần Duy Hưng để xin ăn. Còn khi màn đêm buông xuống anh Tục lại quay về gầm cầu vượt Nguyễn Chánh để trải tấm áo mưa, nằm ngủ. Chiếc điện thoại "cục gạch" là thứ quý giá nhất để anh liên hệ với người thân cũng đã bị kẻ gian lấy cắp lúc nào không hay.

Cảnh "màn trời, chiếu đất" qua ngày dưới gầm cầu vượt

Gần một tuần trở lại đây, anh Lường Văn Hào (21 tuổi, quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) làm phụ hồ tại một công trình xây dựng ở Hà Nội phải sống vật vờ, tạm bợ ở chân cầu vượt vành đai 3 trên cao (đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình) chờ tới khi Hà Nội hết giãn cách xã hội để bắt xe khách về quê.

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 5

Nhóm thợ xây bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sống tạm bợ tại khu vực đối diện bến xe Mỹ Đình.

"Tôi làm công trình xây dựng được hơn một tháng thì phải nghỉ vì dịch bệnh, từ đó tới nay ông quản lý công trường cũng mất tích luôn. Tiền lương thì không trả, giấy tờ tùy thân của tôi cũng bị ông ấy cầm đi luôn. Giờ không biết phải tìm ông ấy ở đâu", anh Lường Văn Hào chia sẻ.

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 6

Đồ dùng cá nhân của anh Hào chỉ có duy nhất túi quần áo là có giá trị.

Cũng theo anh Hào, vào ban ngày, lực lượng công an đi tuần tra nên phải trốn vào các góc khuất hoặc đi xin ăn. Đến buổi tối mới dám quay lại đây để trải chiếu nằm ngủ. Ngày nào có các nhà hảo tâm đến phát cơm cho thì tốt còn không thì nhịn đói qua ngày.

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 7

Gần 12h đêm, anh Lường Văn Hào ngồi ăn bánh mì do các nhà hảo tâm gửi tặng.

"Trong người em hiện giờ không có một nghìn nào luôn. Mấy hôm bị ốm mệt phải chạy ra hiệu thuốc, ngửa tay xin từng viên thuốc để uống cho nhanh khỏi. Trong thời gian này phải cố gắng vượt qua khó khăn thôi chứ không biết làm thế nào cả", anh Hào chia sẻ thêm.

Cùng chung hoàn cảnh với anh Hào, anh Lò Văn Thành quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: "Em đang làm thợ xây, xuống Hà Nội được 2 ngày thì giãn cách nên công an không cho làm. Hôm xuống quên mang Chứng minh thư, vì không có giấy tờ nên bên công trình không giữ lại làm được, phải về quê lấy thì bị kẹt xe khách không chạy.  Ban ngày đi lang thang tránh lực lượng tuần tra, tối về gầm cầu ngủ chờ anh chị làm từ thiện đến phát cơm. Em ở gầm cầu được 7-8 ngày rồi".

Hết tiền thuê trọ, nhiều lao động tự do bị mắc kẹt ở Hà Nội - 8

Theo tìm hiểu, tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình, nhiều người khó khăn không nắm được việc các xe khách không vận chuyển do đang giãn cách xã hội nên vẫn đến bến xe rồi đã vạ vật chờ ở đó trong nhiều ngày.

Theo UBND TP Hà Nội, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) chỉ cần làm thủ tục tại chỗ, không cần phải về quê để xin xác nhận của nơi đăng ký thường trú.

1. ĐỐI TƯỢNG:

- Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố.

- Người lao động lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vục bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền (trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).

2. ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ:

+ Cư trú hợp pháp

+ Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

3. MỨC HỖ TRỢ:

- 1.500.000 đồng/người/lần. Chi trả một lần.

4. HỒ SƠ:

- Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 21/7/2021.

- Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường, thị trấn cấp.

- Trường hợp nơi thường trú và nơi tạm trú không trong cùng phạm vi một xã, phường, thị trấn, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì người lao động tự do không cần có xác nhận của UBND xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách. Chính quyền sẽ gửi thông báo về việc người lao động đã được nhận hỗ trợ tới nơi đăng ký thường trú/tạm trú bằng các hình thức như: Email, bưu điện hay hòm thư công vụ.

 QUY TRÌNH - Người lao động lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng bằng một trong các hình thức: Trực tiếp, email, bưu điện, trực tuyến.... Thời gian người lao động gửi hồ sơ xét duyệt chậm nhất là ngày 31/01/2022.

- Trong 6 ngày làm việc, UBND cấp xã, phường rà soát và tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND cấp quận/huyện theo trình tự sau:

+ Thành lập Hội đồng xét duyệt, gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, lãnh đạo MTTQ, trưởng công an, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn, cảnh sát khu vực...

+ Hội đồng cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.

+ UBND cấp xã công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư, tổ dân phố, trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn.

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách trình UBND cấp quận, huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

+ UBND cấp quận, huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trong thời gian 2 ngày làm việc, sau khi ban hành Quyết định, UBND cấp huyện giao UBND cấp xã, phường tổ chức chi trả cho người lao động.

(Nguồn: Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội).