1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hết tết, ngộp thở mùa lễ hội

Chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hội chợ Viềng, hội đền Trần (Nam Định)… đâu đâu cũng nêm chặt người. Chen chúc, tắc nghẽn và nhiều kiểu dịch vụ lợi dụng lễ hội trở nên khó kiểm soát.

Hết tết, ngộp thở mùa lễ hội - 1

Cửa động Hương Tích đặc người chen nhau

 

Chen chúc lễ hội đầu năm

 

Sau một ngày cáp treo chùa Hương xảy ra sự cố mất điện, đến mùng 7 âm lịch (ngày 20/2) hệ thống cáp treo được treo biển tạm dừng hoạt động không hẹn ngày mở cửa trở lại. Nhiều du khách thẫn thờ đứng trước bảng thông báo và không còn cách nào khác là leo đường bộ.

 

Anh Trần Văn Tuấn, một chủ sạp hàng bên đường cho biết: chưa năm nào khách đi lễ hội chùa Hương nhiều như năm nay. Hệ thống cáp treo hoạt động quá công suất dẫn đến sự cố gây mất điện ngay hôm khai hội mùng 6 âm lịch. Đến mùng 7 do cáp treo không hoạt động nên tuyến đường vào động Hương Tích bị tắc nghẽn cả đường vào và đường ra.

 

Tại cổng động Hương Tích lúc 7h30 sáng khi chưa có cảnh sát phân luồng, đường lên kẹt tới gần 1km chỉ nhúc nhích mỗi lần nửa bước chân. Nhiều người không kiên nhẫn đã trèo lên cả cổng vào động để tìm đường đi tắt. Trong lòng động Hương Tích cũng chen chúc tới mức không còn chỗ để đặt lễ và thậm chí chỗ để đứng khấn vái cũng không còn.

 

Cảnh tương tự cũng xảy ra ở rất nhiều các đền thờ, lễ hội khác. Đền thờ Bà Chúa Kho tại thị xã Bắc Ninh là nơi trước đây chỉ dân làm ăn mới tới để xin lộc, vay mượn nhưng nay đây là nơi xin lộc, cầu may của nhiều tầng lớp người. Bởi vậy ngay sáng ngày mùng 1 tết âm lịch đền này đã nêm chặt người tới mức nếu đến muộn từ trưa tới chiều đành phải đặt lễ và vái vọng từ sân vào.

 

Đền Trần (Nam Định) cũng đông đúc hàng cây số đường vào. Hội Chợ Viềng (Nam Định) vào đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8 âm lịch cùng khiến cho các khách sạn, nhà nghỉ ở đây “cháy phòng”. Nhiều người chen nhau đợi hàng giờ để vào lễ ở đền chính với hy vọng mình được may mắn trong năm mới.

 

Quần thể chùa Bái Đính tại Ninh Bình đang được đầu tư xây mới và chưa hoàn thành nhưng cũng thu hút rất đông khách thập phương tới cầu may. Sáng mùng 6 âm lịch bãi gửi ôtô, xe máy chật cứng. Nhiều người sau khi tham quan khu chùa mới đang được đầu tư xây dựng đã đi lễ cầu may ở khu chùa cũ cách đó 4km khiến cho khu chùa cũ cũng bị tắc nghẽn đường lên.

 

Nhiều dịch vụ biến tướng

 

Quá nhiều khách đổ dồn về một địa điểm để cầu may đầu năm đã sinh ra nhiều dịch vụ ăn theo lễ hội. Tại chùa Hương dù đã được niêm yết công khai giá đi đò là 35.000 đồng/lượt khách nhưng giá thực tế phải cao gấp 2 - 3 lần cho dù khách có khéo mặc cả. Trên đường lên tới động Hương Tích chỗ đền Cửa Võng, ngay trong đền, người của ban tổ chức đã bán loại nhẫn vàng giả được đặt ngay trên ban thờ với giá 10.000 đồng/cái. Những người này luôn miệng mời chào khách mua để cầu lộc cầu tài đầu năm.

 

Tại đền bà Chúa Kho, đội ngũ cúng khấn thuê lên tới hàng trăm người lúc nào cũng đứng ở những vị trí thuận tiện nhất. Chỉ cần khách len chân vào được đến nơi là được đề nghị khấn thuê với giá vài chục ngàn đồng mỗi lượt. Lực lượng bảo vệ có bắt gặp và trông thấy nhưng cũng lờ đi.

 

Ở đây do quá đông khách nên dịch vụ bê lễ thuê cũng nhờ đó mà phát đạt. Một người dân địa phương cho biết mỗi người bê lễ thuê một ngày có thu nhập hàng triệu đồng, cứ một mùa lễ hội từ tháng 1 tới tháng 3 mỗi chủ hàng cũng lời ít nhất khoảng 200 triệu đồng từ việc bán vàng mã và đồ lễ.

 

Một điều dễ thấy nhất ở các lễ hội này là: cho dù có lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ đi lại thường xuyên, nhưng nạn trộm cắp, móc túi vẫn xảy ra. Bởi vậy, ngay cổng vào các đền chùa bao giờ cũng có hàng chữ nhắc nhở cẩn thận bảo vệ tư trang. Tại chùa Hương, có lẽ do tiên lượng được việc tắc nghẽn đường vào nên ngay tại cổng động Hương Tích có treo lời nhắc nhở: “càng chen càng tắc” “một điều nhịn là chín điều lành”.

 

Theo Lê Phượng

 Sài Gòn tiếp thị