Hết Tết: Dân đang ăn bị nghẹn khi biết giá tô phở
“Khi nghe giá bát phở là 150.000 đồng, cậu sinh viên nghèo đang ăn bị nghẹn luôn trên bàn, không ăn được nữa vì xót ruột, chút xíu nữa là khóc”, chị Minh bức xúc kể về tình trạng chặt chém dọc đường ra Hà Nội sau kì nghỉ Tết.
Chị Minh đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội từ sáng 13/2, đến trưa chị cùng chồng dừng chân tại một quán phở ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) - đoạn sát siêu thị máy tính Trần Anh. Cứ nghĩ giá cả nếu có đắt cũng chỉ hơn ngày thường chút ít nên chị Nga gọi 2 bát phở và 2 chai nước C2. Ăn xong trả tiền, chị ‘sốc’ vì được thông báo hết 340.000 đồng.
"Phở lèo tèo vài sợi bánh và vài miếng thịt bị tính 150.000 đồng/bát. Còn chai C2 được bán 20.000 đồng/chai. Tôi có nói vài câu bức xúc nhưng chủ quán chỉ cúi đầu im lặng và vẫn nhận đủ số tiền chứ khôn giảm đồng nào" - chị Minh thuật lại.
Quá bức xúc nên chị Minh quên không chụp lại hình bát phở và tên quán ăn nhưng ngay sau đó chị đã kịp cảnh báo bạn bè trên mạng xã hội để tránh bị tương tự.
Cùng ăn với chị Minh là 1 nam sinh viên cũng từ quê ra Hà Nội sau kì nghỉ Tết. "Khi nghe thấy giá bát phở là 150.000 đồng, cậu sinh viên nghèo nghẹn luôn trên bàn ăn, không ăn được nữa vì xót ruột, chút xíu nữa là khóc. Cậu cũng rất bức xúc nhưng không làm gì được" - chị Minh nói.
Tình trạng chặt chém sau Tết diễn ra phổ biến, nhan nhản trên các tuyến đường quốc lộ dẫn về các thành phố lớn. Nhiều người đi đường dừng chân nghỉ ăn trưa tại các nhà hàng, quán xá phản ánh bị ‘thịt’ khá đau vì không hỏi giá trước.
“Tôi cũng vào ăn phở ở Ninh Bình. Đoạn dừng chân cách khu vực lễ hội ở chùa Bái Đính không quá xa nên đông khách, quán không niêm yết giá. Tôi chủ quan gọi suất cơm rang dưa bò và 1 cốc nước thì bị ‘chém’ 100.000 đồng. 2 vợ chồng, 1 đứa con ăn sơ sơ mất 250.000 đồng, xót ruột bức xúc mà không làm gì được” - anh Nam đi từ Nghệ An ra Hà Nội ngày 14/2 cho hay.
Ở các tỉnh phía Nam tình trạng tương tự cũng diễn ra. Tại các điểm nghỉ giữa đường ven quốc lộ tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, các hàng quán cũng mặc sức “chặt chém” khi khách đi về TP HCM dừng lại ăn uống, nghỉ ngơi.
Ngày thường giá cơm, hủ tiếu, nước uống tại các quán này chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng/suất. Tuy nhiên, lợi dụng dịp Tết chủ quán “chặt chém” thực khách với đĩa cơm lên đến 50.000 - 60.000 đồng, chai nước suối đến 20.000 đồng.
Chị Oanh Kiều (ngụ TP Cần Thơ) cho biết hai vợ chồng chị dừng lại ăn uống ở quán gần TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Chị kêu 1 đĩa cơm sườn, 1 tô hủ tiếu và trái dừa. Khi tính tiền, chủ quán hét giá 110.000 đồng.
“Thấy giá mắc quá nên tôi hỏi chủ quán thì họ trả lời “Tết mà”. Ngày bình thường cơm chỉ 20.000 đồng/đĩa thì Tết họ tính gấp đôi, còn trái dừa chỗ khác bán có 7.000 đồng, thì họ bán đến 30.000 đồng. Vì không muốn cãi cọ nên trả tiền cho qua chuyện, chứ người miền Tây như tôi còn bị “hố” thì khách phương xa tới sẽ như thế nào” – chị Kiều bức xúc nói.
Theo nhiều người, để tránh bị “chặt chém”, mọi người nên vào những trạm dừng chân lớn hoặc những tiệm ăn có niêm yết giá để ăn uống, nghỉ ngơi.
Hà Nôi cũng chặt chém
Tại Hà Nội, dù người dân đã đổ về quê nghỉ Tết, phố phường vắng ngắt nhưng tình trạng chặt chém cũng không vì thế mà giảm.
Quán bún riêu ở ngã tư Triệu Việt Vương – Trần Nhân Tông bán giá 50.000 đồng/bát cơ bản (chỉ riêu, đậu). Chị Nga (trú tại Cầu Giấy) gọi 2 suất có thêm chút riêu bị tính giá 130.000 đồng.
“Bát bún bình thường chỉ 30.000 đồng. Giá này khá chát so với ngày thường, nhưng hàng quán đóng cửa hết nên đành chịu” - chị Nga nói.
Theo Lan Ngọc - Hoài Thanh
|VietNamnet