1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Hết lúa lại đi bán rơm...

(Dân trí) - Ngày giáp hạt, khi hạt lúa trong nhà đã vét hết thì những cọng rơm bé nhỏ trở thành cứu cánh cho không ít gia đình nông dân xứ Nghệ.

Hết lúa lại đi bán rơm...

Một góc "chợ rơm"

Trong khi người Hà Nội khốn khổ vào cuối vụ gặt vì bị khói do nông dân vùng ngoại thành đốt rơm rạ thì ở Nghệ An, những cọng rơm bé nhỏ ấy lại được nâng niu, là cứu cánh cho hàng nghìn gia đình nông dân nghèo. Và cái mùa hình thành chợ rơm cũng khá đặc biệt: mùa giêng hai - khi lúa gạo dự trữ của người nông dân bắt đầu cạn kiệt. Đó cũng là khi bữa cơm của nông dân nghèo chỉ có bát canh và ít cá khô kho mặn.

Gọi là chợ rơm nhưng thực ra nó không cố định ở địa điểm nào. “Chỗ nào người mua nhiều thì chị em chúng tôi dừng chân ở đó. Khi mô ít người mua lại đi tìm nơi khác. Mà cũng có khi rơm cũng không cần đến chợ, đi giữa đường có người mua là bán luôn. Thường thì chúng tôi họp chợ ở những vùng trồng màu, nơi đó họ trồng ít lúa nên không có thức ăn dự trữ cho trâu bò”, chị Nguyễn Thị Kính (xóm 9, xã Hưng Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết.

Hôm nay chợ rơm được họp đối diện với chợ Sơn (Nghi Thạch, Nghi Lộc). Chợ nổi bật với màu vàng rộm của rơm chất cao trên những chiếc xe đạp cà tàng, đậu chĩa lưng ra đường. Sáng tờ mờ, chị Kính và những người hàng xóm của mình đã chất những bó rơm to lên xe và đạp gần 15km để xuống đây bán. “họp chợ”. Chị Đường đứng bên xe rơm chia sẻ, các chị đi bán rơm từ hồi cuối tháng Chạp năm ngoái nhưng thi thoảng mới đi; đợt này túng quá ngày nào cũng phải lôi rơm ra bán. Chị cho biết, ra tết đủ thứ tiền phải tiêu, không có rơm thì khốn khổ.

Với xe rơm các chị bán được 50-60.000 đồng. Món tiền đó có thể giúp bữa cơm gia đình đầy đặn hơn. Cũng có khi người mua tìm về tận nhà, mua cả cây rơm với giá từ 1,5-2 triệu đồng, nhưng để kiếm thêm chút lãi, các chị thường chịu khó chở rơm đi xa hơn chục cây số bán. 

Thường mỗi ngày các chị chỉ đi được một chuyến, nhưng cũng có người mỗi ngày đạp hàng trăm cây số, bán mấy chuyến rơm, như chị Cao Vân (Hưng Trung, Hưng Nguyên). “Đói thì đầu gối phải bò thôi. Tiền học phí kỳ hai của mấy đứa con trông vô đó cả. Mỗi ngày đi 3 chuyến rạc cả chân nhưng chắt bóp thì cũng có thêm đồng mà góp gửi cho con. Chỉ sợ hết lúa, giờ hết rơm nữa không có chi mà bán thôi. Một xe rơm so với nông dân chúng tôi thì không nặng nề gì nhưng đúng bữa ngược nồm thì oằn cả người mà đạp cũng không thở ra hơi”, chị Vân thở dài.

Hết lúa lại đi bán rơm...

Những người nông dân ở đây không đốt rơm cuối vụ như ngoài Bắc mà cứ vào vụ gặt nắng cháy lưng, họ lại quần quật cả trưa phơi rơm. Mỗi nhà 4-5 sào ruộng chất được cây rơm lớn, vừa làm thức ăn dự trữ cho trâu bò quanh năm, vừa làm “của để dành” vào kỳ giáp hạt. Thử nhẩm một phép tính: mỗi nhà một cây rơm, trừ chỗ để dành cho trâu bò cũng được hơn 100 bó rơm đem bán, số tiền thu được lên tới 5-6 triệu đồng. Một con số không hề nhỏ.

Mùa gặt người nông dân mong trời nắng bao nhiêu thì vào kỳ giáp hạt họ lại chỉ mong trời mưa bởi khi trời mưa, trâu bò không ra đồng chăn thả được, nhu cầu mua rơm mới tăng cao. Phiên chợ rơm hôm nay, tất cả mấy chị bán rơm đều gặp may khi được một ông lái trâu mua gom tất. Mùa “chợ rơm” chỉ còn vài ngày trong khi kỳ giáp hạt sẽ kéo dài hơn 1 tháng nữa...

Hoàng Lam