Hệ quả của tham nhũng nhìn từ những vụ hối lộ ODA
(Dân trí) - Tham luận gửi đến Diễn đàn kinh tế mùa xuân (khai mạc vào sáng 21/4), TS Lê Đăng Doanh đã phải dùng nhiều động từ mạnh sau khi dẫn lại tuyên bố của đại diện JICA (Nhật Bản) là “sẽ không còn lối thoát” nếu "nổ" ra vụ tham nhũng nữa liên quan đến các dự án ODA.
Đề cập đến tham nhũng và những chi phí không chính thức với người dân, doanh nghiệp, TS Lê Đăng Doanh đi sâu vào phân tích từ môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Cụ thể, TS. Doanh khái quát, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng thấp dưới trung bình và chậm được cải thiện, trong khi một số nước trong khu vực có tiến bộ đáng kể như như Malaysia và Thái Lan. Một nguyên nhân là sự yếu kém về thể chế và tham nhũng.
Các chỉ số về năng lực cạnh tranh GCI và chỉ số Môi trường kinh doanh, chỉ số Cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đều ở mức thấp và chậm được cải thiện. Thậm chí, năm 2014, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam tiếp tục tụt lùi trong xếp hạng về môi trường kinh doanh.
Báo cáo GCI năm 2014 – 2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, chỉ số về đút lót trong xuất nhập khẩu tại Việt Nam xếp thứ 121 – thấp hơn rất nhiều so với xếp hạng thể chế chung. Xếp hạng về đút lót trong quyết định tư pháp ở vị trí 117 (cũng rất thấp). Chỉ tiêu về công khai trong xây dựng chính sách của Chính phủ cũng chỉ đạt mức 116…
“Không nghi ngờ gì nữa, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh, làm môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi” – TS. Lê Đăng Doanh viết.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng liên hệ việc đánh giá này với những sự kiện thời sự đang diễn ra. Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót ở Việt Nam liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.
Sau vụ án đưa nhận hối lộ tại Đại lộ Đông-Tây, vụ JTC, trích lời Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam là nếu để xảy ra vụ tham nhũng thứ 3 với các dự án ODA của Nhật Bản, người dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ dừng cấp nguồn vốn vay này cho Việt Nam, "nếu có vụ thứ ba sẽ không có lối thoát", ông Doanh cảnh báo, “nước bạn đã mất kiên nhẫn đối với tình trạng tham nhũng kéo dài, lặp đi lặp lại ở Việt Nam”.
Tương tự như vậy, các phát hiện của phía Hàn Quốc về tham nhũng và đút lót của tập đoàn POSCO trong quá trình tham gia đấu thầu ở Việt Nam, nhưng quan chức Việt Nam đã tuyên bố ngay là vụ việc này không liên quan đến Việt Nam.
Gần đây nhất, Ngân hàng thế giới đã cấm không cho tập đoàn Louis Berger Group (LBG) của Mỹ tham gia đấu thầu một năm do có tham nhũng ở hai dự án ở Việt Nam, là dự án Đường Giao thông Nông thôn thứ ba và Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng.
Chỉ ra tác động của tham nhũng đối với nỗ lực phát triển kinh tế, ông Doanh tính toán, nếu chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) của Việt Nam tăng lên 1 đơn vị, mức tăng trưởng trong giai đoạn 2000-2012 vừa qua đã có thể tăng lên bình quân 0,23%/năm.
Nhận định này trùng với nghiên cứu của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra là, nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và do đó nếu các doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm.
Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng (tần suất tham nhũng được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp thừa nhận có chi trả các khoản chi phí không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%.
Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.
Đồng thời, nếu tăng 1% đơn vị tính dự báo của tham nhũng (đo lường bằng tỷ lệ % doanh nghiệp cho biết rằng họ nhận được dịch vụ mong muốn khi trả chi phí không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,6%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 1,9%.
Hệ quả lâu dài khác của tình trạng tham nhũng được TS. Lê Đăng Doanh chỉ ra là rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng tham gia vào tham nhũng do họ coi đó là một phần của luật chơi, chính vì vậy việc phá vỡ vòng luẩn quẩn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và nền kinh tế. Việc làm này đòi hỏi phải có sự chung sức từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền để có thể tạo ra được những khích lệ và hình phạt đúng đắn (phương pháp tiếp cận củ cà rốt và cây gậy) nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.
P.Thảo