1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hé lộ tác giả bài thơ “Lá thư xuân”

(Dân trí) - Cuốn sổ "Lá thư xuân" ban đầu bị nhầm tưởng của một liệt sỹ ở Đồng Nai lại tiếp tục hành trình tìm chủ nhân đích thực. Một đồng đội của chiến sỹ Bùi Xuân Nạp (quê Thanh Hóa) đã nhận ra bài thơ của bạn mình.

Trang đầu tiên của cuốn nhật ký bằng thơ đang được Thượng tá Nguyễn Thị Tiến lưu giữ
Trang đầu tiên của cuốn nhật ký bằng thơ đang được Thượng tá Nguyễn Thị Tiến lưu giữ

Sự nhầm lẫn của một số phóng viên và một số tờ báo khiến nhiều người cho rằng tác giả bài thơ “Lá thư xuân” là của liệt sỹ Phan Văn Bân (hay còn gọi là Phan Thành Nhơn, Phan Thành Hưng - quê ở Long Thành, Đồng Nai). Thế nhưng thượng tá Nguyễn Thị Tiến - nguyên phó GD Bảo tàng quân khu 4 lại nghĩ khác. Bởi vậy, cuốn sổ nhật ký có bài thơ “Lá thư xuân” đã được chị giữ lại để tìm tác giả đích thực của nó.

Gặp chị sau chuyến công tác dài ngày ở phía Nam mới được 2 ngày, kệ nệ ôm chồng tài liệu từ trên tầng 2 xuống, chị đã dành cho Dân trí những phân tích, đánh giá về cuốn nhật ký và bài thơ “Lá thư xuân”, qua đó hé mở nhiều chi tiết về tác giả của bài thơ từng gây chấn động người yêu chuộng hòa bình thế giới khi người cựu chiến binh Úc Laurens Wildeboer tìm cách trao trả lại cho chủ nhân của nó sau 40 năm cất giữ.

Đó là một cuốn sổ còn nguyên vẹn và được đóng gáy chắc chắn, bọc bìa màu đỏ thẩm. Ngay trang bìa, góc phía trên bên phải là hình cánh buồm đang lướt sóng và ghi số 320 trang. Đây cuốn sổ được đóng bằng những tập giấy caro. Thượng tá Nguyễn Thị Tiến nhận định: “loại giấy kẻ caro này vào thời điểm đó chỉ có ở miền Bắc. Và cũng chỉ có những người thuộc gia đình có điều kiện hay học rất giỏi mới được tặng cuốn sổ này”.

CCB Laurens Wildeboer trao cuốn nhật ký bằng thơ của người lính Việt Nam cho thượng tá Tiến
CCB Laurens Wildeboer trao cuốn nhật ký bằng thơ của người lính Việt Nam cho thượng tá Tiến

Trong cuốn sổ này còn có một số trang từ điển Anh - Việt loại nhỏ, một tệp giấy pa - luya loại dùng để viết thư và một bài thơ viết nháp được kẹp vào giữa.

Mở đầu cuốn nhật ký là dòng thơ “Ta không như con thuyền chờ đợi/ Gió xuôi rồi buồm mới căng lên” và dòng chữ Thanh Phong được khắc kiểu chữ vuông. Trong cuốn sổ này có một số bức hình vẽ hoa đào, chim én, rừng núi bằng bút chỉ màu loại Culo (loại bút chì có một đầu màu xanh và một đầu màu đỏ). “Loại bút chì này cũng chủ yếu có ở miền Bắc vào thời kỳ những năm 60 của thế kỷ trước. Hơn nữa, căn cứ vào các chi tiết có trong từng bài thơ, có thể khẳng định tác giả của nó là người miền Bắc chứ không phải là của người miền Nam”, thượng tá Nguyễn Thị Tiến cho biết thêm.

17 bài thơ có trong cuốn bút ký này không phải được viết theo tuần tự thời gian mà đã được tác giả chép lại một cách nắn nót những sáng tác của mình trên đường hành quân. Bởi vậy, có bài thơ theo thời gian được ghi ở cuối bài lại được chép trước bài thơ có thời gian sáng tác sau đó. Đó là những bài thơ ghi lại cảm xúc của người lính trên đường hành quân từ Bắc vào Nam chứ không phải của anh lính miền Nam chiến đấu trên quê hương mình.

Trong một bài thơ, người lính có nhắc tới tên người em gái - tôi có cô em tên gọi thị Hường
Trong một bài thơ, người lính có nhắc tới tên người em gái - "tôi có cô em tên gọi thị Hường"

Trong suốt những bài thơ được viết trong tập thơ này có những lỗi chính tả quen thuộc mà người miền Bắc vẫn thường mắc phải như “gió gieo (reo) lồng lộng” (bài Căm hờn), hay “dốc thẳm treo leo (cheo leo) đá gập ghềnh” (bài Đón giao thừa), “Nhìn chúc (trúc) lại nhớ đến mai/ Nhìn trăng nhớ bạn ghi vài vần thơ” (bài Yêu).

Riêng bài thơ “Lá thư xuân” với một cành đào và hình ảnh con chim én đang bay lượn cũng với những chi tiết được nhắc tới trong bài thơ như “ngoài quê em đang rét run người” - “tàu chiến Mỹ ăn đòn bốc cháy/ giặc nhà trời cũng vùi xác bùn đen”. Như thế có thể khẳng định được rằng tác giả bài thơ phải là người miền Bắc và thời điểm tác giả sáng tác bài thơ này cũng là khi cả miền Bắc đang trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Trong một bài thơ, người lính có nhắc tới tên người em gái - tôi có cô em tên gọi thị Hường
Bài thơ "Lá thư xuân" làm xúc động lòng người cùng với bức tranh hoa đào, chim én được vẽ bằng bút chì Culo

“Suốt cả 17 bài thơ nhưng không có bài thơ nào nhắc tới một địa chỉ cụ thể, cũng không có tên tác giả hay phân hiệu đơn vị. Như thế có thể khẳng định rằng, tác giả của cuốn nhật ký bằng thơ nói trên là một trinh sát dày dạn kinh nghiệm hay một cán bộ quân đội có vị trí quan trọng trong quân đội. Bởi vậy, khi cuốn nhật ký này lọt vào tay tình báo Mỹ, địch đã không khai thác được bất kỳ một thông tin nào và trả lại cho tình báo Úc trước khi được Laurens Wildeboer cất giữ trong suốt 40 năm qua”, thượng tá Tiến cho biết thêm.

Đọc kỹ cả cuốn bút ký bằng thơ của người chiến sỹ, chỉ thấy anh nhắc tới tên của 2 người. Một là “chị Kim Dung” trong bài thơ Tình đồng chí. Hình ảnh chị Kim Dung trong bài thơ là hình ảnh của một người y tá đã nhất quyết không bỏ lại người chiến sỹ đang bị thương - là tác giả - để trốn chạy cuộc truy sát của kẻ thù.
Trong nhiều bài thơ có những lỗi chính tả người miền Bắc hay mắc phải
Trong nhiều bài thơ có những lỗi chính tả người miền Bắc hay mắc phải

Người thứ hai được tác giả nhắc tới là người con gái tên Hường. “Tôi có cô em tên gọi thị Hường/ Tóc mềm như liễu, mắt như gương/ Năm nay cô nó mười tám tuổi/ Lắm kẻ trai làng đã vấn vương” (bài Cô gái em tôi). Bài thơ được sáng tác vào ngày 20/10/1965. Như vậy có thể xác định được rằng cô em gái tên Hường của người chiến sỹ sinh năm 1947. “Đây có thể là hai mấu chốt để xác định được tác giả của bài thơ “Lá thư xuân” nhưng với điều kiện là cô y tá tên Kim Dung vẫn còn sống”, thượng tá Nguyễn Thị Tiến nhận định.

Chị Tiến cũng cho biết thêm, trong quá trình tìm tác giả của bài thơ từ nhiều manh mối do nhiều cựu chiến binh cung cấp, chị đã tìm về huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình). Tuy nhiên, trong chuyến đi này, người lính năm xưa không phải là tác giả của bài thơ này. “Vừa rồi tôi có nhận được một cú điện thoại của một cựu chiến binh ở Tây Nguyên. Trong điện thoai, ông cho biết đã từng đọc bài thơ “Lá thư xuân” và cho biết tác giả của bài thơ là Bùi Xuân Nạp, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau nên tôi vẫn chưa thể xác minh được chính xác thông tin này”, thượng tá Tiến ngậm ngùi.

Từ số điện thoại do chị Tiến cung cấp, chúng tôi đã liên hệ được với ông Trần Văn Tuất (Tp Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc). Ông Tuất cho biết, năm 1964, ông nhập ngũ được phiên chế vào tiểu đoàn 31 trinh sát Quân khu 3. Tại đây, ông có quen ông Bùi Xuân Nạp (hay Lạp), quê ở Nông Cống, Thanh Hóa. Ông Nạp nhập ngũ trước ông Tuất chừng 3-4 năm.

Những trang từ điển Anh - Việt được kẹp giữa cuốn sổ

Những trang từ điển Anh - Việt được kẹp giữa cuốn sổ

“Ông Nạp hay làm thơ và có một cuốn sổ kẻ carô ghi rất nhiều bài thơ. Trong số các bài thơ của ông Nạp ghi trong cuốn sổ, có bài thơ về cô em gái tên Hường. Tôi rất thích bài thơ này và xin chép lại, đọc thuộc lòng. Tôi nhớ trong cuốn sổ đó cũng có bài thơ “Lá thư xuân”. Sau đó chừng 4 tháng, ông Nạp được chuyển qua đơn vị trinh sát khác, anh em mất liên lạc từ đó. Nếu bây giờ có cuốn sổ đó, tôi có thể khẳng định được tác giả bài thơ có phải của anh Nạp hay không”, cựu chiến binh Trần Văn Tuất cho biết.

Sau hơn 40 năm lưu lạc, từ những nhận định, phân tích của thượng tá Nguyễn Thị Tiến và những thông tin do ông Trần Văn Tuất cung cấp, tác giả của bài thơ “Lá thư xuân” đang dần được hé lộ. Chúng tôi hi vọng rằng, những thông tin được đăng tải qua báo Dân trí sẽ góp phần tìm ra tác giả đích thực của bài thơ thấm đẫm chất nhân văn này.

Hoàng Lam