HĐND TP Hà Nội sẽ họp 1 ngày, xem xét công tác nhân sự

Thế Kha

(Dân trí) - Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội dự kiến sẽ diễn ra trong một ngày (10/3) để xem xét, thông qua 4 nội dung, trong đó có công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

HĐND thành phố Hà Nội vừa có thông báo nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, kỳ họp được tổ chức trong một ngày (ngày 10/3) tại hội trường tầng 3, trụ sở HĐND - UBND thành phố Hà Nội.

HĐND TP Hà Nội sẽ họp 1 ngày, xem xét công tác nhân sự - 1

Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố dự kiến xem xét, thông qua 4 nội dung, gồm: Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030; Phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội; Nghị quyết bãi bỏ quy định về lệ phí đăng ký cư trú đã quy định tại Nghị quyết số 06/2020 và Nghị quyết số 13/2021 của HĐND thành phố; công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

Thường trực HĐND TP Hà Nội đã phân công các Ban HĐND thành phố phối hợp với UBND thành phố và các sở, ngành chức năng chuẩn bị nội dung trình kỳ họp; tổ chức thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ và phân công của Thường trực HĐND thành phố.  

Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương rà soát, chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc trách nhiệm của UBND thành phố bảo đảm chất lượng, tiến độ, thời gian; trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố các nội dung theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025.

Đối với các nghị quyết quy phạm pháp luật, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố thực hiện các quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phân công và chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố chuẩn bị đầy đủ tài liệu, tờ trình, dự thảo nghị quyết và người trình bày tại kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố theo quy định.

Cuối tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng để điều tra sai phạm liên quan đến vụ án "chuyến bay giải cứu" xảy ra ở Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Ngày 13/1/2023, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chử Xuân Dũng.

Ban Bí thư nhận thấy, ông Chử Xuân Dũng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm, tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát ngân sách nhà nước; vi phạm Quy chế làm việc, không thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HDNĐ, trưởng ban, phó trưởng ban của HĐND tỉnh, chánh văn phòng HĐND tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND và các ủy viên UBND tỉnh…

Bộ máy lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các Phó chủ tịch: Lê Hồng Sơn, Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền.