1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hãy tin ở sức dân trong “cuộc chiến” chống tham nhũng

(Dân trí) - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, ông Phạm Thế Duyệt đã phát biểu như vậy trong buổi họp báo giới thiệu Nghị quyết Liên tịch về việc ban hành qui chế “Mặt trận tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” chiều qua 24/4.

Ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, đây không phải là việc làm có tính hình thức, “nghi lễ” mà là một việc làm thiết thực đang được dân mong mỏi và cũng đang là tiếng nói sôi “sùng sục” của đại hội X. Mặt trận đứng ra làm vấn đề này, dù nhận thức rằng rất khó nhưng phải gỡ dần, nếu không làm đến nơi đến chốn mất lòng dân là rất nguy hiểm.

Tuy trong nghị quyết liên tịch chỉ làm thí điểm ở 5 tỉnh nhưng theo ông Duyệt, ý nghĩa của nó sẽ tác động đến toàn xã hội. Nếu Hà Nội, TPHCM cứ chuyển biến “vù vù” trong hoạt động này thì cả nước cũng sẽ chuyển. “Tôi tin cái gì đúng thì khi “ấn” sẽ vào được cuộc sống, có lẽ các cấp uỷ của các tỉnh khác cũng chẳng chờ thực hiện theo bước 1, bước 2 mà sẽ sớm chủ động đưa vào cuộc sống”, ông Duyệt nhấn mạnh.

“Chống tham nhũng có mấy kênh giám sát, lần này mặt trận ra quân bằng kênh nhân dân mà thua trận thì không hay lắm đâu…”

 

Nghị quyết này vừa được Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch UBMTTQ VN ông Phạm Thế Duyệt kí ngày 21/4. Theo đó, qui chế sẽ áp dụng ở một số xã, phường, thị trấn; thôn, làng, ấp, bản, khu phố, tổ dân phố, cụm dân cư tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang.

Việc giám sát, phát giác của mặt trận có đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, nhưng các hành vi tham nhũng xảy ra ở những người có chức quyền không loại trừ các lãnh đạo cấp uỷ. Vậy mặt trận có đủ sức làm việc này không?

Không phải cấp uỷ nào, đảng uỷ nào, cán bộ Đảng nào cũng đúng, như vụ việc ở PMU 18, Đồ Sơn, Phú Quốc… nhưng không phải dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, những chỗ sai phạm ấy bị ém lại, không dám tỏ thái độ.

Cấp uỷ cũng đâu phải chỉ có cấp trực tiếp ấy mà còn có cấp trên quản lí cho nên chúng tôi sẽ hướng dẫn các cấp mặt trận: những cấp uỷ nào có sai phạm thì báo cáo với cấp uỷ cấp trên, báo cáo với cơ quan mặt trận cấp trên…

Chúng ta đừng mất lòng tin vì chúng ta có chỗ để nói, để phản ảnh, để tỏ thái độ có bài bản. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm đến nơi đến chốn là có chỗ dựa.

Mặt trận có cách nào để bảo vệ những người tố cáo?

Nguy hiểm cho người tố cáo chúng ta đã gặp như vụ rừng Tánh Linh hay nhiều vụ khác người tố cáo đã lâm vào tình cảnh “khốn khổ”. Nhưng tôi nghĩ, việc tố cáo được thực hiện thông qua tổ chức thì cá nhân những người tố cáo sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Những kẻ có tội không dễ “dẫm” lên tổ chức. Tuy nhiên, để có thể làm tốt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau là khó nhưng chúng ta sẽ có cách để những người tố cáo được bảo vệ.

Thực tế, tại các bộ, ngành đều có thanh tra ở rất gần các cán bộ, lãnh đạo mà vẫn không phát hiện được những sai phạm. Vậy ở khu vực dân cư, người dân lấy đâu ra chứng cứ có tính thuyết phục để tố cáo?

Tham nhũng hay không chắc cũng không dễ nói được, nhưng người ta bảo nhà ông này giàu nhanh quá mà vợ con chẳng làm gì, không đi Tây đi Tàu, trong khi ông ấy lại đang phụ trách các việc liên quan đến nhân sự, nhà đất, cầu đường… đề nghị phải kiểm tra ngay. Người dân nói như thế là được chứ?

Tôi nói thật, thế đã là tốt lắm rồi…tổ chức đã có thể ra tay. Đừng nghĩ mọi cái sẽ tốt đẹp ngay, đạt yêu cầu cao ngay, nhưng tôi tin rằng những việc này để cho dân nói là người ta sẽ nói. Với nhà báo người ta còn nói, với mặt trận có tổ chức chặt chẽ thì người ta càng không nề hà gì đâu.

Việc giám sát các cán bộ ở TƯ như thế nào và liệu có khác với các đảng viên thường?

Vấn đề này dễ thôi. Khu dân cư người ta không coi ông này là trung ương, ông kia là nhân viên mà ông nào người ta cũng coi như nhau, mắt thần của dân chẳng tha ông nào cả.

Ông này có món gì tiêu cực, món gì thậm thụt, món gì lợi dụng, món gì sống không minh bạch người ta có quyền nói hết, chả sao cả.... Tôi chỉ biết ông là một cán bộ công chức sống ở khu dân cư của tôi, tôi cứ đối chiếu các việc cần phải làm tôi làm, không phân biệt cán bộ cấp nào, không từ một ai cả.

Cấn Cường (lược ghi)