1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

“Hầu như ngày nào cũng có người ngã giàn giáo”

(Dân trí) - Theo thống kê của BV Việt Đức - Hà Nội, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 60-80 ca cấp cứu, trong đó có 10-12 ca tai nạn lao động (TNLĐ); bệnh nhân nguy kịch do ngã giàn giáo ở các công trình xây dựng thì hầu như ngày nào cũng có.

Thống kê “khiêm tốn”, thực tế... giật mình

Ngày 31/7, BV Việt Đức tiếp nhận khoảng 8 ca cấp cứu do tai nạn lao động, trong đó có 2 trường hợp ngã giáo.

Bệnh nhân N.T.L, 20 tuổi ở Nam Định ngã từ giàn giáo tầng 4 tại một công trình đang thi công trên địa bàn TP Hà Nội, bị đa chấn thương, liệt tuỷ hoàn toàn.

Bệnh nhân L.V.H rơi từ ban công tầng 4 tại một công trình tư nhân, bị chấn thương sọ não, gãy chân, dập phổi, lá lách...

Theo báo cáo, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận từ 60-80 ca cấp cứu, trong đó có 10-12 ca tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nhân nguy kịch do ngã giàn giáo ở các công trình xây dựng thì hầu như ngày nào cũng có. Đáng lưu ý là BV Việt Đức chỉ là một trong nhiều nơi tiếp nhận những ca TNLĐ trong xây dựng đang diễn ra hàng ngày, trên toàn quốc.

Con số này chênh lệch đáng kể so với thống kê “khiêm tốn” từ Bộ Xây dựng: Trong 6 tháng đầu năm nay cả nước xảy ra 51 TNLĐ trong hoạt động xây dựng, làm chết 13 người, 60 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do điện, ngã cao, vật rơi, vật ép...

Theo chuyên gia phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, sở dĩ có độ “vênh” trong báo cáo so với thực tế là bởi đại đa số các công trình xây dựng hiện nay không được kiểm soát đúng theo quy định, khoảng 80% số công trình xây dựng cao tầng vi phạm an toàn lao động. Rất nhiều tai nạn xảy ra không được báo cáo lên cơ quan quản lý do bị chủ công trình tìm cách tự giải quyết với người lao động.

Vấn đề thiếu an toàn lao động trong xây dựng chỉ thực phơi bầy khi hàng loạt TNLĐ liên tiếp xảy ra tại khu vực xây dựng tòa nhà Keangnam Tower (Hà Nội), gây xôn xao lo lắng trong xã hội.

Mới đây nhất, Bộ LĐ-TB-XH đã có báo nhanh về vụ việc Keangnam Landmark Tower gửi tới Thủ tướng. Việc thi công cũng đã bị đình chỉ hoàn toàn. Thanh tra lao động TP Hà Nội đang gấp rút tập trung thanh - kiểm tra lại những công trình trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng đến các công trình cao tầng.

Trăm thiệt thòi đổ đầu người lao động

Thống kê từ khoa Chấn thương chỉnh hình BV Việt Đức cho thấy, nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động trong xây dựng thường là nam giới ở độ tuổi từ 18 - 50, là trụ cột kinh tế của gia đình sống ở nông thôn. Có tới 50% trường hợp tai nạn được chuyển đến trong tình trạng rất nặng nề: gãy đốt sống cổ, chấn thương sọ não… dẫn tới tử vong. Nhẹ hơn thì cũng để di chứng lâu dài, mất đi khả năng lao động, sau thời gian điều trị với chi phí tốn kém.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Kim Ngân, nguyên nhân chính khi TNLĐ xảy ra được xác định là do cả người sử dụng lao động lẫn người lao động chưa hiện tốt công tác ATLĐ. Tuy nhiên lỗi phần nhiều là do bên sử dụng lao động thường xuyên “lờ” những quy định thực thi an toàn lao động, nhằm tiết kiệm chi phí.

Thực tế đang diễn tại trong các công trình xây dựng cao tầng là tình trạng các doanh nghiệp thông qua cai thầu khoán trắng công trình. Nhận phần việc cai thầu thường về các tỉnh tuyển công nhân. Họ hầu hết là những người chưa có kiến thức và ý thức về an toàn lao động nên cũng không mấy khi đòi hỏi về thiết bị an toàn khi làm việc tại công trình.

Rất nhiều người trong số họ làm việc theo kiểu khoán ngày công. Đến khi tai nạn xảy ra, trong tay không có hợp đồng lao động, lại không am hiểu pháp luật nên không biết cầu cứu ở đâu, đành  ngậm ngùi nhận những khoản tiền đền bù ít ỏi.

Trả lời câu hỏi vì sao các công trình không chấp hành quy định thực thi an toàn lao động đã được quy định rõ ràng, ông Vũ Như Văn - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, bởi mức phạt với các doanh nghiệp vi phạm quy định về ATLĐ hiện quá nhẹ. Hiện nay, chánh thanh tra được phạt tối đa 20 triệu đồng. Cần nhanh chóng nâng mức xử phạt nghiêm hơn nữa để đạt mục đích răn đe và ngăn chặn vi phạm.

Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Yêu cần được cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho mình. Hơn ai hết, người lao động phải hiểu khi tai nạn xảy ra, chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là bản thân mình.

Thanh Trầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm