Hậu Giang: Thấp thỏm vì lở đất
Gần một tháng qua, lở đất liên tiếp xảy ra tại khu vực dọc tuyến kênh Xáng thuộc xã Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang). Nhiều lớp đường giao thông nông thôn - đồng thời cũng là tuyến đê bao tránh lũ - rơi xuống sông; nhà cửa, hoa màu thiệt hại nặng nề.
Đến ấp Phú Lợi A, chúng tôi thấy ngồn ngộn những bờ đất bị lở, có nơi ăn sâu vào đất liền cả chục mét. Một số người dân vẫn chưa hết ngỡ ngàng và âu lo.
Nhìn khối đất khổng lồ trước nhà mình đã biến mất còn cây cối thì nằm xiêu vẹo dưới sông, ông Nguyễn Văn Đức (64 tuổi) than: “Bao đời mới có con đường, có cái đê bao ngăn lũ, nào ngờ... Tình hình này khi mùa lũ đến không biết học sinh sẽ đi học như thế nào đây”.
Nhiều đoạn đường cặp mé kênh đã bị đứt quãng, hình thành nhiều hố sâu rất nguy hiểm. Tại nhiều khu vực, tình trạng lở đất đã ăn sâu sát mép nhà dân khiến họ vô cùng lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Xuyên với vẻ mặt buồn chán cho biết: “Lớp đất trước nhà tôi hiện giờ chỉ còn cách mép cửa cái hơn 3 tấc. Trước mặt tôi trước đây là đường còn bây giờ chỉ là nước. Chỉ cần vài cơn mưa nữa là lớp đất trước nhà sẽ biến mất”.
Anh Hồ Văn Tuấn (ấp Phú Lợi A) cho biết: “Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, cắm câu, giăng lưới..., phần lớn lo đủ cái ăn trước mắt, lấy tiền đâu mà lấp ao, bơm cát để dời nhà”. Nhiều người dân cho biết chính quyền xã “có vô thăm”, huyện cũng đã xuống xem xét tình hình, cũng có quay phim, chụp hình, nhưng “chưa nghe ai nói gì...”.
Trong khi đó việc đi lại của người dân hiện gặp rất nhiều khó khăn. Tại khu vực Trường tiểu học Phú Hữu 1, đường không còn, đất áp sát khu vực trường đã tuồn xuống sông, trống hoác. Trường đã phải mở hàng rào cho dân đi nhờ qua sân trường.
Ông Nguyễn Thanh Quang - phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu - cho biết tình trạng sạt lở đang xảy ra nhiều tại các ấp Phú Lợi, Phú Lợi A, Phú Chí A, Phú Chí B, Phú Chí B1. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của việc dùng xáng cạp múc đất quá sát mép kênh để đắp bờ làm đê bao thủy lợi và giao thông nông thôn vào năm 2005 khiến lớp đất bị trống chân.
Ông cho biết xã đang vận động bà con tại nơi có nguy cơ sạt lở di dời và “cũng đã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí, nhanh chóng khắc phục sự cố, đồng thời đề nghị rút nguồn kinh phí phòng chống lụt bão hỗ trợ người dân mua cây, lá, bơm cát làm nhà mới”.
Theo Thanh Xuân
Tuổi Trẻ