GS.TSKH Ngô Huy Cẩn:

"Điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt"

“Nhiều nhà khoa học đều có ý kiến là Châu cũng có may mắn là ra nước ngoài có dịp để mà tiếp xúc giao lưu với các nhà toán học đầu ngành trên thế giới... Nhưng một điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt...”.

GS.TSKH Ngô Huy Cẩn, cha của GS Ngô Bảo Châu nói về sự thành công của cậu con trai duy nhất.

Chúng tôi từng có một số lần đến thăm gia đình GS Ngô Bảo Châu tại phố Đào Tấn, Hà Nội, nên dù rất bận rộn, GS.TSKH Ngô Huy Cẩn, cha GS Ngô Bảo Châu vẫn dành cho PV một cuộc trò chuyện ngắn trước khi ông cùng gia đình lên đường sang Ấn Độ tham dự Đại hội Liên đoàn Toán học Thế giới (ICM 2010).

Vốn là nhà khoa học cơ học chất lỏng hàng đầu Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Cơ học Việt Nam, GS Ngô Huy Cẩn dự đoán: “Châu có thể đạt giải thưởng Fields”.

Tuy nhiên, với bản chất cẩn trọng, chính xác của một nhà khoa học, ông dặn: “Cần phải đợi đến ngày đó mới thông tin”. Hôm qua 19/8, GS Ngô Bảo Châu chính thức được xướng danh với giải thưởng cao quý này. Xin giới thiệu cuộc trò chuyện đến độc giả.

May mắn được nhiều thầy giỏi toán truyền thụ

Là một nhà khoa học được đào tạo bài bản về Toán, sau đó là Vật lý cơ học, GS đã định hướng cho con như thế nào? Cách dạy con học của GS có gì khác lạ không?

Hồi ấy, 3 năm đầu Châu được sinh ra, tôi là binh nhì làm sao về được, nuôi Châu hoàn toàn bằng tiền lương của mẹ, thỉnh thoảng tôi cũng được anh em ưu tiên con nhỏ nên cho thêm 1 suất sữa Liên Xô viện trợ gửi về cho con.

"Điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt"  - 1
Bố mẹ GS Ngô Bảo Châu: GS.TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS TS Trần Lưu Vân Hiền.

Việc học tiểu học ở trường thực nghiệm là rất tốt. Cách dạy của trường thực nghiệm làm cho trẻ con thích đến trường, nó chủ yếu làm phát huy được suy nghĩ tìm tòi của học sinh hơn là bắt các em phải làm những việc bắt buộc. Hồi đó, trường không bắt học sinh học bảng cửu chương. Khi giải toán không cần đáp số mà học sinh chỉ cần trình bày cách giải thôi, không phải cộng trừ nhân chia cụ thể, việc đó thời đại ngày nay có máy tính rồi, như thế nó rút ngắn rất nhiều nội dung bắt cho trẻ học và nó tập trung vào phát triển tư duy sáng tạo nhiều hơn.

Hồi đó, Châu học trường thầy Hồ Ngọc Đại, về nhà mình giao bài tập toán, mới đầu mình chọn những bài khó, mỗi chương chỉ giao vài bài thôi. Châu thường tự tìm cách giải, bài khó mình thường vạch ra hướng thôi chứ không giải cụ thể. Châu làm nhanh quá nên về sau mình bảo con cứ làm tất cả nhưng cả quyển ấy, Châu chỉ làm vài ngày là xong. Lúc đó Châu thường học trước chương trình. Khi học lớp 3 thì Châu làm toán lớp 4, nhưng ngay cả toán lớp 4 Châu cũng chỉ làm vài ngày là xong.

Các thầy dạy Toán ở Việt Nam đã dạy dỗ Châu ra sao, thưa GS?

Khi Châu học hết lớp 5, bắt đầu học chuyên toán ở trường Trưng Vương. Mình đã nhờ cậu đồng nghiệp trẻ ở Viện Cơ học là Phạm Ngọc Hùng kèm Châu. Phạm Ngọc Hùng vốn học chuyên toán đã từng sang học toán ở Minsk, cậu ấy kèm Châu 2 năm rồi bảo: “Có khi em cũng hết vốn, để em nhờ bạn em bên Viện Toán”.

Người Hùng nhờ cũng chính là anh Lê Tuấn Hoa, lúc ấy cũng mới tốt nghiệp tổng hợp toán ở Nga về. Sau anh Hoa, có anh Vũ Đình Hòa bây giờ ở viện CNTT, lúc ấy là nghiên cứu sinh toán tại Đức về.   

Các anh ấy dạy vô tư, ngay cả bản thân mình cũng không nghĩ phải trả tiền các anh ấy bao nhiêu, hồi ấy chưa có cái khái niệm bồi dưỡng, anh em chơi với nhau thì dạy Châu thôi. Mình nghĩ Châu cũng may mắn được nhiều thầy giỏi toán truyền thụ. Thời ấy nó khác bây giờ, các thầy thấy học sinh giỏi là thích lắm, chia nhau bảo rằng: "Tôi vừa tìm được một đứa rất giỏi, tôi chia cho ông dạy môn này, tôi môn kia", chứ thời đấy có cần tiền đâu, mà lúc ấy cũng chả có tiền mà đóng.

Trong quá trình Châu học, không bao giờ mình phải hò hét cả, những năm cuối cấp mình phải nhắc Châu đi ngủ sớm. Hồi đó mình được phân căn hộ ở Nam Đồng khu tập thể quân đội, nhà không có tivi để xem chương trình thời sự mà Châu và các học sinh giỏi Quốc tế vinh dự được Tổng Bí thư gặp mặt.
 
"Điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt"  - 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên phải) và bố mẹ GS vào chiều ngày 8/8/2010. (Ảnh: Thu Phương)

Học toán giỏi khác với làm toán giỏi

GS Ngô Bảo Châu đã từng đoạt 2 HCV Olympic Toán Quốc tế, sau nhiều năm học tập và nghiên cứu mà chủ yếu ở nước ngoài, GS Châu đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải thưởng Clay. Theo GS, nước ta có nhiều người đoạt giải cao Olympic toán quốc tế, tại sao sau đó họ không thể đạt tới đỉnh cao?

Châu thường nói rằng thi Olympic là cuộc thi những người học toán giỏi còn sau này họ sẽ phải làm toán chứ không phải học toán nữa, nên nó khác hẳn.

Không phải anh nào học giỏi cũng đạt đỉnh cao đâu, cũng chỉ có một vài người thôi. Tôi cũng biết, những người đoạt giải thưởng Fields của toán học đến bây giờ Mỹ mới có 12 người, Pháp 9 người, Liên Xô 8 người trong đó có 1 người Ucraina, Nhật 3 người, Trung Quốc có 1 người nhưng lại là quốc tịch Mỹ, sống, học tập và nghiên cứu ở Mỹ.

Những người đạt giải thưởng Fields là những người kiệt xuất rồi. Nhưng cần biết rằng cũng có rất nhiều những người giỏi ở nước ta và các nước khác, họ không thuộc các tiêu chí của giải thưởng, chứ không phải họ “chìm” đi đâu. Như ở Việt Nam, tất nhiên cũng phải nói là điều kiện của các anh ấy (các nhà khoa học - PV) còn khó khăn, hầu hết các nhà khoa học đều hợp tác với nước ngoài, như các anh ở Viện Toán, một năm các anh ra nước ngoài làm việc ít nhất 3, 4 tháng.
 
"Điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt"  - 3
GS Ngô Bảo Châu cùng mẹ và con gái út tại Mỹ. (Ảnh: VOV)

Rất nhiều học sinh giỏi cũng đã được các thầy giỏi đào tạo. Nhưng theo GS, thành công của Ngô Bảo Châu là do đâu?

Nhiều nhà khoa học đều có ý kiến là Châu cũng có may mắn là ra nước ngoài có dịp để mà tiếp xúc giao lưu với các nhà toán học đầu ngành trên thế giới. Khách quan mà nói, điều kiện để học cách làm toán, (chứ không chỉ là học toán nhé) nó thuận lợi hơn rất nhiều so với ở trong nước. Cho nên mình cũng không nên nói là những thành tựu này nọ chỉ là do kết quả đào tạo trong nước.

Nhưng một điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt, Châu có tài năng và niềm đam mê khoa học cháy bỏng bởi làm toán nó cũng khắc nghiệt lắm.

Châu là người cha rất yêu con và biết chăm sóc con cái

Xin hỏi GS một câu hơi riêng tư, các nhà khoa học hàng đầu do quá đam mê khoa học mà thường khó cân bằng cuộc sống. Với GS Ngô Bảo Châu thì sao?

Châu lập gia đình năm 1994, năm 22 tuổi khi học xong thạc sĩ bên Pháp rồi. Thời gian ấy, người Việt bên Pháp rất ít, Châu không có nhiều giao lưu, học hành lại căng thẳng.

Châu về đặt vấn đề bố mẹ cho con lập gia đình vì Châu có người yêu cũng học cùng trường Trưng Vương. Mình thì nghĩ Châu vẫn trẻ nhưng chính anh Lê Tuấn Hoa bảo: “Anh không đồng ý cũng gay go vì nhiều trường hợp các cậu giỏi toán nhưng không cân bằng được cuộc sống có thể bị tâm thần. Hồi ấy Châu vừa đủ tuổi theo luật trai 22 tuổi, gái 20 được lập gia đình. Năm 1995 Châu làm thủ tục để vợ Nguyễn Bảo Thanh sang Pháp, năm đấy cũng sinh con gái đầu lòng. Thời gian đó tương đối khó khăn vì học bổng hạn chế. Thanh vốn học ngoại thương ra, hồi ở Pháp có một thời gian Thanh đi làm kiểm toán ở một công ty tư nhân.
 
"Điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt"  - 4
Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng vợ và con gái. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Đời thường, Châu là người cha rất yêu con và chăm sóc con cái, ba đứa trẻ xinh xắn ngoan ngoãn cũng giúp Châu giảm bớt những cái căng thẳng.

Châu cũng không phải là người mà tâm hồn “nghèo nàn”, Châu thích nhạc cổ điển, thơ Hàn Mạc Tử, thơ Quang Dũng, trước đây Châu cũng có học và biết chơi đàn violon.

Xin cảm ơn GS!
 
"Điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt"  - 5
Ba con gái của GS Ngô Bảo Châu. Trong ảnh (từ trái sang: Ngô Thanh Nguyên (10 tuổi), Ngô Hiền An (7 tuổi) và Ngô Thanh Hiên (15 tuổi). (Ảnh: Blog thichhoctoan)
 
Theo Mạnh Cường
Thể thao & Văn hóa