1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hành trình tìm kiếm chiếc máy bay rơi trên đỉnh Tam Đảo 47 năm trước

Ngày 28/9/2018, trên sườn núi Tam Đảo, lực lượng tìm kiếm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã tìm được di vật của hai phi công và nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay MIG-21U bị rơi vào ngày 30-4-1971. Cuộc tìm kiếm sau gần nửa thế kỷ là một câu chuyện đầy xúc động…

Câu chuyện từ nước Nga

Cuộc kiếm tìm chiếc máy bay bị rơi ở Tam Đảo cách đây 47 năm bắt đầu từ nước Nga xa xôi. Tháng 9-2017, cộng đồng cựu du học sinh Nga trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện về cô gái tên Anna Poyarkova nỗ lực tìm kiếm dấu vết về người ông của mình, một sĩ quan Liên Xô mất tích tại Việt Nam từ năm 1971.

Cô gái Nga cho biết, ông mình là Poyarkov Yuri Nikolaevich (sinh năm 1933), Đại úy Không quân Liên Xô đã hy sinh tại Việt Nam trong một chuyến bay tập vào ngày 30-4-1971. Thế nhưng cho tới hiện tại, thi hài của ông vẫn chưa được đưa về nước, người thân thì chỉ nhận được thông tin rằng ông đã “mất tích trong một tai nạn máy bay”.

Ông Nam Nguyen (nickname trên Facebook), một người từng nhiều năm gắn bó với nước Nga, là người đầu tiên đưa câu chuyện của Anna lên mạng xã hội. “Anna muốn biết rõ: Điều gì đã xảy ra với Đại úy Poyarkov? Ông mất tích trong hoàn cảnh nào? Tại sao không thể tìm ra chiếc máy bay rơi và thi thể của phi công?...”, ông Nam Nguyen kể.

Lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên tìm kiếm mảnh vỡ máy bay trên sườn núi Tam Đảo.
Lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên tìm kiếm mảnh vỡ máy bay trên sườn núi Tam Đảo.

Câu chuyện của Anna nhận được sự quan tâm lớn từ những cựu du học sinh Liên Xô. Một trong số đó là Tiến sĩ (TS) Nguyễn Lê Anh (cựu nghiên cứu sinh ngành Toán tại Đại học Lomonosov). Năm nay 63 tuổi, ông Lê Anh từng là giảng viên của Học viện Kỹ thuật quân sự.

“Khi đọc được thông tin trên Facebook của Nam Nguyen rằng ông Poyarkov bay huấn luyện và hy sinh cùng với phi công người Việt tên Công Phương Thảo tại vùng trời Tam Đảo, tôi cảm thấy xấu hổ khi một chiếc máy bay mất tích ở một nơi cách trung tâm Hà Nội chưa tới 70 km mà gần 50 năm chúng ta không tìm thấy”, ông Lê Anh nhớ lại.

Những tháng sau đó, TS Lê Anh đã gặp gỡ nhiều người thu thập thông tin nhằm xác định vị trí xảy ra tai nạn của chiếc MiG-21U (dùng trong huấn luyện, có 2 ghế ngồi) từ 47 năm trước.

Sẵn mối thân quen từ trước, ông Lê Anh gọi cho Trung tướng, Anh hùng phi công vũ trụ Phạm Tuân và xác tín được thông tin: Có một vụ tai nạn như vậy và dù quân đội đã tổ chức tìm kiếm nhiều lần ngay sau đó nhưng không có kết quả. Đáng nói, ông Phạm Tuân và nhiều phi công miền Bắc đều biết rất rõ về thầy Poyarkov và cũng chưa quên được vụ tai nạn với người thầy Nga và người đồng đội Công Phương Thảo.

Từ những thông tin thu lượm được và dựa trên những tính toán, suy luận logic, TS Lê Anh đã dựng lại hành trình bay của chiếc MiG-21U vào ngày xảy ra vụ tai nạn.

Ngày 30-4-1971, chiếc MiG-21U của phi công Công Phương Thảo cất cánh từ sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài) vào khoảng 10 giờ sáng tới không vực tập thuộc xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Hai phi công Poyarkov Yuri Nikolaevich và Công Phương Thảo.
Hai phi công Poyarkov Yuri Nikolaevich và Công Phương Thảo.

Sau khi bay tập theo sự hướng dẫn của thầy Poyarkov, máy bay sẽ quay về sân bay Đa Phúc. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bài tập và “xin phép bay về” thì chiếc MiG-21U đâm vào gờ núi Tam Đảo Bắc khi thực hiện động tác bổ nhào và không kịp “ngóc” lên để vượt qua đỉnh núi do bị rơi vào vùng áp thấp tại khu vực này.

Tuy nhiên, việc xác định “kịch bản” này không đủ để tiến hành một cuộc tìm kiếm trên thực địa vì đó là một vùng rộng lớn, hơn nữa lại là thời điểm những ngày cuối cùng của năm nên mọi việc gần như dừng lại, ông Lê Anh nói.

Bước ngoặt của cuộc tìm kiếm diễn ra vào mùng 3 Tết Nguyên đán 2018. Anh Đặng Minh Tuấn (30 tuổi, trú tại Mỹ Yên, huyện Đại Từ) nhân dịp về quê ăn tết đã nghe những người cao tuổi trong họ nói về việc “xẻ thịt” một chiếc máy bay trên đỉnh Tam Đảo. Tìm kiếm trên internet, anh Tuấn phát hiện ra câu chuyện mà Nam Nguyen và TS Lê Anh chia sẻ nên chủ động liên hệ với ông Lê Anh.

Thông tin từ anh Tuấn về việc có người chú tên Hiệu vẫn nhớ như in rằng ngày còn nhỏ từng lên núi Tam Đảo lăn một chiếc lốp máy bay xuống vực đã giúp TS Lê Anh khởi xướng một cuộc tìm kiếm trên thực địa. 10 giờ sáng ngày 23-2- 2018, sau khi chuẩn bị, nhóm của TS Lê Anh cùng 4 người dân địa phương bắt đầu leo núi. Tuy nhiên vì nhiều lý do, phải tới ngày thứ 2, cuộc tìm kiếm mới bắt đầu.

“Chúng tôi chia nhóm. Tôi đi cùng với một người tên Phú. Sau mấy lần ngã ở khe suối cạn, tôi bắt đầu lo lắng. Vì nếu cứ tiếp tục như thế này có thể đến 10 giờ đêm vẫn chưa ra được khỏi rừng. Tôi nói với Phú ra lệnh “lui quân”, TS Lê Anh nói. Tuy nhiên, ông đã chọn đường về theo những sườn núi ít dốc nhất vì tin rằng nếu có mảnh máy bay nào từ vụ tai nạn còn lại sẽ ở đó.

Chỉ vài phút sau khi đi xuôi xuống sườn núi, ông Phú và TS Lê Anh phát hiện ra một mảnh vỡ máy bay. Từ manh mối này manh nha cho những người tìm kiếm niềm hy vọng. Và sau đó, cuộc tìm kiếm quy mô lớn với tên gọi Ban chỉ đạo 515 do UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên được bắt đầu…

Hành trình tìm kiếm trên núi Tam Đảo

Ban tìm kiếm được UBND tỉnh Thái Nguyên thành lập và Đại tá Ngô Hồng Thái được giao trọng trách Phó ban. Sau khi khoanh khu vực tìm kiếm, công tác chuẩn bị được tiến hành…

Sáng ngày 28-9, Ban chỉ đạo 515 quyết định tiến hành khai quật. “Khoảng 8h30’, những di vật đầu tiên được tìm thấy gồm dây lưng, bao tay chuyên dụng. Căn cứ vào kích thước, đặc điểm của di vật, chúng tôi nhận định đây là di vật của Đại úy Yuri Poyarkov” - Đại tá Thái nói.

Hành trình tìm kiếm chiếc máy bay rơi trên đỉnh Tam Đảo 47 năm trước - 3

Mở rộng tìm kiếm, cách vị trí di vật được cho là của huấn luyện viên bay Yuri Poyarkov, lực lượng tìm kiếm đã xác định được vị trí được cho là có di cốt của liệt sĩ Công Phương Thảo cách đó khoảng 20m. Đến trưa ngày 29-9, việc quy tập các di vật được cho là của hai liệt sĩ tử nạn đã hoàn tất. Sau đó được đưa về lưu giữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên.

“Vị trí máy bay bị rơi nằm ở độ cao hơn 1.200m, dốc thẳng đứng, cạnh một khe núi. Vị trí đầu máy bay lao vào vẫn còn nguyên một hốc đất sâu cả mét, rộng vài mét. Có lẽ, phần thân máy bay đã bị nổ và văng xuống khe núi gần đó” - Đại tá Thái thông tin.

Trong quá trình tìm kiếm đã thu thập được những di vật gồm dây lưng, bao tay, bao súng ngắn, đế giày, một số mảnh quần áo… vẫn còn nguyên trạng; lực lượng tìm kiếm cũng thu nhặt được nhiều mảnh kim loại được cho là của máy bay huấn luyện MiG-21U vẫn còn tại hiện trường. Những mảnh kim loại này đã được mang về để phục vụ các công tác tiếp theo.

Hai người cháu của liệt sĩ Thảo hay tin cũng đã có mặt cùng đoàn tìm kiếm. Viện Pháp y Quân đội đã tiến hành giám định ADN mẫu vật để xác định chính xác nhân thân của từng liệt sĩ. Thông tin mới nhất mà chúng tôi thu được, các giám định viên chưa phát hiện được cấu trúc xương trong các mẫu vật thu tại hiện trường.

Theo Thái Bình
Cảnh sát toàn cầu/Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm